• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thư viện số cộng đồng Tam Kỳ: Cầu nối tri thức và giá trị văn hóa

Văn hoá 23/11/2024 11:00

(Tổ Quốc) - Kể từ khi khai trương vào tháng 4/2023, Thư viện số cộng đồng Tam Kỳ đặt tại Quảng trường 24/3, ngay trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam, đã trở thành biểu tượng của văn hóa đọc và chuyển đổi số ở Việt Nam. Với hệ thống hiện đại và không gian văn hóa kết nối, thư viện không chỉ lan tỏa tri thức mà còn thúc đẩy sự sáng tạo trong cộng đồng.

Thư viện số cộng đồng Tam Kỳ có hơn 10.000 đầu sách số, phục vụ đầy đủ các lĩnh vực, từ sách thiếu nhi đến tiểu thuyết, lịch sử và tài liệu nghiên cứu. Chỉ cần đăng ký thẻ bạn đọc, người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên tri thức khổng lồ này.

Thư viện số cộng đồng Tam Kỳ: Cầu nối tri thức và giá trị văn hóa - Ảnh 1.

Thư viện số cộng đồng thành phố Tam Kỳ đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người yêu sách trên địa bàn thành phố.

Khởi đầu của không gian tri thức số

Vốn yêu sách từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Hải (62 tuổi) trở thành một gương mặt quen thuộc tại Thư viện số Tam Kỳ. Trước đây, ông Hải tốn nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm các đầu sách chuyên sâu về lịch sử. Nhưng với thư viện số, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.

"Nhờ hệ thống tra cứu hiện đại, tôi có thể tìm được những tài liệu quý mà mình cần chỉ trong vài phút. Điều đặc biệt hơn là tôi có cơ hội tham gia các buổi giao lưu tác giả, mở rộng hiểu biết và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong gia đình", ông Hải chia sẻ.

Ngoài việc đọc sách, ông Hải còn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa của thư viện, từ giao lưu tác giả - tác phẩm đến các hội thảo truyền cảm hứng.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Thu Hằng (lớp 12 trường THPT Phan Bội Châu, TP Tam Kỳ) cho biết đã làm thẻ bạn đọc tại thư viện số khoảng 2 tháng nay. "Em thấy thư viện rất tiện lợi. Những lúc rảnh em thường đến đây để tìm đọc sách. Ở đây cũng có máy tính và ipad giúp em có thể truy cập mạng để tìm thêm tài liệu phục vụ cho việc học...", Thu Hằng nói.

Còn em Minh Thư (học sinh lớp 7) thì đến thư viện không chỉ để đọc sách mà còn để khám phá các hoạt động công nghệ. Thư đã tham gia những trải nghiệm như "Một ngày làm Thủ thư số" hay các cuộc thi kiến thức tại thư viện này.

"Em rất thích ứng dụng đọc sách trên điện thoại. Nhờ đó, em vừa hoàn thành bài tập về nhà, vừa tìm hiểu thêm về các chủ đề mới. Không chỉ có sách, thư viện còn giúp em học được cách sử dụng công nghệ để quản lý tri thức", Anh Thư chia sẻ.

Câu chuyện của ông Hải, Thu Hằng và Anh Thư là 3 trong số hàng ngàn minh chứng sống động về tác động tích cực của Thư viện số cộng đồng Tam Kỳ. Thư viện này được xây dựng nằm trong tổng thể chương trình chuyển đổi số và thành phố thông minh cũng như tạo lập các không gian sinh hoạt cộng đồng của TP. Tam Kỳ.

Thư viện số cộng đồng Tam Kỳ: Cầu nối tri thức và giá trị văn hóa - Ảnh 2.

Với hệ thống hiện đại và không gian văn hóa kết nối, thư viện không chỉ lan tỏa tri thức mà còn thúc đẩy sự sáng tạo trong cộng đồng.

Đến với Thư viện số cộng đồng Tam Kỳ, mọi người thoải mái đọc sách, báo, tra cứu tài liệu, hình ảnh phục vụ việc học tập, công tác nghiên cứu… qua hệ thống thiết bị máy tính hiện đại được kết nối với hệ thống thư viện quốc gia, quốc tế; hướng đến không gian giao lưu và đọc sách qua hình thức trực tuyến, kết hợp sách giấy, giúp người dân dễ dàng tiếp cận kiến thức bằng những thiết bị điện tử được trang bị sẵn.

Tương lai của văn hóa đọc

Tính đến nay, Thư viện số cộng đồng Tam Kỳ đã thu hút hàng chục ngàn lượt bạn đọc; đến nay đã có hơn 3.000 thẻ bạn đọc, hàng chục ngàn lượt sách, báo lưu hành và ấn phẩm sách số, sách nói phục vụ bạn đọc.

Hệ thống phần mềm Vebrary quản trị cơ sở dữ liệu thư viện tích hợp hiệu quả các quy trình nghiệp vụ của Thư viện số một cách thông minh, hiện đại. Đây là phần mềm nhằm đơn giản hóa, giúp người dùng ở các lứa tuổi, trình độ học vấn khác nhau đều dễ dàng tiếp cận kho tài nguyên của thư viện thông qua Cổng thông tin thư viện; đồng thời nâng cao khả năng khai thác, kết nối đến cộng đồng thư viện trên thế giới.

Việc tích hợp xây dựng Cổng thông tin thư viện như một phân hệ trong phần mềm thư viện điện tử giúp thư viện có thể dễ dàng giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ đến bạn đọc; cung cấp ứng dụng tra cứu tài liệu, đọc sách trên tất cả các loại thiết bị số như máy tính bảng; điện thoại thông minh (smartphone)…; đồng thời giúp quản lý cơ sở dữ liệu chính xác, khoa học.

Đặc biệt, các đầu sách đã được mã hóa, gắn chip, giúp việc quản lý đầu sách, kiểm soát biểu ghi thư mục nhanh chóng cũng như việc kiểm soát an ninh ra vào thư viện chặt chẽ, an toàn.

Đồng thời, Thư viện số còn trang bị Trạm mượn trả sách tự động, giúp bạn đọc cảm thấy thân thiện, tiện ích, có thể nhanh chóng lựa chọn và mượn được loại sách mà mình cần.

Thư viện số cộng đồng Tam Kỳ: Cầu nối tri thức và giá trị văn hóa - Ảnh 3.

Bạn đọc có thể sử dụng các máy tính được trang bị tại thư viện để đọc sách trực tuyến, nghe sách nói thông qua các ứng dụng như Vinabook, Epic, Voiz Fm,... Đặc biệt, Thư viện số còn trang bị Trạm mượn trả sách tự động, giúp bạn đọc chủ động hơn việc mượn trả sách.

Bên cạnh đó, Thư viện số còn là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật; giao lưu tác giả - tác phẩm; truyền cảm hứng và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng như: cuộc thi "Giọng đọc kết nối"; hoạt động trải nghiệm "Một ngày làm Thủ thư số" và "Đố vui tìm hiểu kiến thức" với sự tham gia của hơn 100 học sinh các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP. Tam Kỳ trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023. Cuộc thi đã khơi dậy niềm đam mê và ươm mầm cho những tài năng công nghệ số, nhất là đối tượng học sinh trên địa bàn thành phố. 

Ngày 21/4/2023, Thư viện số cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam chính thức khai trương tại Quảng trường 24/3, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Đây là một bước tiến vượt bậc trong việc tích hợp công nghệ vào văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm tri thức trong kỷ nguyên 4.0.

Thư viện được trang bị hệ thống máy tính và thiết bị hiện đại, kết nối với các thư viện quốc gia và quốc tế. Không gian được chia làm hai khu vực riêng biệt, dành cho bạn đọc trên và dưới 15 tuổi, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi bạn đọc tham gia.

Thư viện mở cửa từ 8h sáng đến 12h trưa và 14h chiều đến 20h tối từ thứ 3 đến chủ nhật, thứ 2 nghỉ. Trẻ dưới 16 tuổi và người trên 60 tuổi được miễn phí thẻ, còn từ 16 tuổi đến 59 tuổi phí 20 ngàn đồng 1 tháng.


*Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thực hiện

H.An

NỔI BẬT TRANG CHỦ