• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Bệnh thành tích chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm và ngày càng nghiêm trọng hơn”

Giáo dục 30/07/2018 06:00

(Tổ Quốc)-Phóng viên báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn thầy Trần Mạnh Tùng- một trong số các giáo viên đã phát hiện ra những nghi vấn bất thường sau khi phổ điểm thi THPT quốc gia 2018 được công bố tại các địa phương trong thời gian vừa qua về câu chuyện xuống cấp đạo đức trong giáo dục hiện nay.

 Lỗi từ nền giáo dục trọng bằng cấp và cách thức thi cử

- Chúng ta những tưởng đã tổ chức được một kỳ thi  THPT quốc gia thành công, mặc dù những vấn đề gian lận mới chỉ phát hiện ở một vài địa phương nhưng đã gây ra một chấn động với toàn xã hội. Theo thầy, nguyên nhân chính của việc này là gì? Có phải chúng ta kỳ vọng quá không hay là những tiêu cực này vẫn là căn bệnh thành tích lâu năm khó chữa của ngành giáo dục?

+ Nguyên nhân của tiêu cực nằm ở cả 2 phần, phần trực tiếp từ bên giáo dục. Đúng là nguyên nhân do căn bệnh từ lâu của nền giáo dục trọng bằng cấp và nguyên nhân thứ 2 là cách thức thi cử. Chúng ta mong muốn hướng tới việc kiểm tra đánh giá năng lực mà nhiều nước đã làm, nhưng kỳ thi quốc gia với cách làm lạc hậu như hiện nay chỉ để kiểm tra kiến thức hàn lâm thì chưa đáp ứng được kỳ vọng của mọi người và thứ 3 là kỹ thuật của kỳ thi còn kém.

Đơn cử như một tiểu tiết thế này: sau khi scan bằng file ảnh các bài của thí sinh rồi mất công chuyển sang file text để giảm dung lượng xuống. Đó là kỹ thuật hài hước, trong khi giờ đây hàng triệu bức ảnh được tải lên internet mỗi giây mà không có vấn đề gì cả.

Thứ nữa là vấn đề con người. Chúng ta biết rất rõ các khâu của kỳ thi mà nói ra thì ai cũng tưởng như là lý tưởng. Chẳng hạn khâu chấm thi có đầy đủ 3 thành phần: chấm thi, thanh tra và công an túc trực nhưng khi có đầy đủ như vậy mà tiêu cực vẫn xảy ra lộ liễu, trắng trợn và ghê gớm.

Thầy Trần Mạnh Tùng đang là giáo viên toán trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.

Với tất cả các yếu tố vừa rồi tôi khẳng định là, chuyện tiêu cực thậm chí có thể đã xảy từ trước và nó sẽ vẫn xảy ra nếu các nguyên nhân tôi nói không được khắc phục triệt để.

Điều thứ 2, về vấn đề xã hội, trong trường hợp này ngành giáo dục có thể coi là nạn nhân. Một xã hội chuộng bằng cấp, vận hành với nhiều yếu tố tiêu cực từ câu chuyện tuyển dụng, tới việc đi làm hay được làm các việc hành chính khác…

Người ta ví von một đứa trẻ chưa sinh ra thì bố mẹ đã chạy chỗ sinh, bác sĩ, vào tiểu học thì chạy trường, thi cử chạy lấy bệnh thành tích…

Trước hết, Bộ GDĐT cần hoàn chỉnh về kỹ thuật nghiệp vụ. Thứ 2 là về vấn đề con người trong giáo dục chắc chắn phải có tuyển chọn, giám sát chặt chẽ hơn.

Thứ 3 Bộ nên làm là giải quyết tiêu cực một cách rõ ràng, đến nơi đến chốn, trước mắt lấy lại được niềm tin cho giáo viên, học sinh và bên cạnh đó có yếu tố răn đe cho những con người sẽ được tuyển chọn trong thời gian tới.

Rộng hơn, chắc chắn là về mặt xã hội, các ban ngành liên quan cần có điều chỉnh phù hợp dần dần hướng tới xã hội tôn trọng giá trị thật của con người, thi cử, tuyển chọn và trong quá trình làm việc có thể kiểm soát được. Có như vậy việc học, dạy, thi tuyển sinh mưới có thể hạn chế được những tiêu cực. Tôi tin là chúng ta có thể làm được và làm tốt.

Chúng tôi đang phải đối mặt với việc: Niềm tin bị đánh cắp

- Thầy từng chia sẻ, đạo đức xã hội xuống cấp nhìn từ sự việc này. Là người làm việc trong lĩnh vực giáo dục và cũng là một trong những thầy giáo phát hiện ra những bất thường sau khi Bộ GDĐT công bố phổ điểm, thầy cảm nhận như thế nào về sự gian dối, không công bằng xuất phát từ chính những con người đang làm trong đội ngũ giáo dục?

+ Ngay khi phát hiện ra bất thường, chúng tôi là giáo viên tự nhiên, nghĩ gì nói thế thôi và không hề biết là sự việc lại tới như thế. Tôi không nghĩ là nó lại sốc và ghê gớm như vừa qua. Các đồng nghiệp khi chúng tôi trao đổi đều bất bình, thất vọng vì quá trình làm việc của thầy và trò trong thời gian qua rất vất vả mà hiệu quả so với những thứ chúng ta nhìn thấy rất là xa vời.

Chúng tôi đang phải đối mặt với các em học sinh lứa sinh năm 2000 và các thế hệ sau này để lấy lại được động lực dạy và học của các thầy cô và các học sinh. Tôi nghĩ cần phải có rất nhiều thời gian và Bộ phải vào cuộc mạnh mẽ để lấy lại công bằng cho học sinh và giáo viên.

Thầy Trần Mạnh Tùng đã nhiều lần xúc động khi nói về vấn đề xuống cấp đạo đức hiện nay. 

Sự việc này nó cướp đi công bằng, cơ hội, hy vọng của hàng triệu thí sinh lứa vừa qua và hơn thế nữa. Tiêu cực này ảnh hưởng tới xã hội ghê gớm. Các bạn không biết có để ý không, tôi đi ra tới ngoài cổng, từ chị bán phở, tới bác bán nước chè, bác xe ôm đâu đâu cũng nói về tiêu cực thi cử.

Tôi tự thấy mình là người ngây thơ, tôi vẫn nghĩ kỳ thi ĐH là nghiêm túc tuyệt đối và nói về điều này một cách tự hào. Nhưng sau tiêu cực vừa rồi, chúng ta mới vén một phần sự thật thì niềm tin của tôi đã bị đánh cắp hoàn toàn, nhiều người cũng nói với tôi như vậy. Điều ấy chứng tỏ, niềm tin đã bị đánh cắp.

Kết luận dù chưa được phanh phui đầy đủ nhưng tác hại với ngành giáo dục và xã hội là cực kỳ kinh khủng. Chúng ta cần đánh giá đúng sự việc để Bộ GDĐT và các ngành liên quan có cách làm phù hợp, lấy lại niềm tin trong ngành và toàn xã hội.

Để một người có lỗi nhận sai, nhận lỗi nó khó khăn ghê gớm

- Thầy có cho rằng, quy trình thi hiện nay đã hoàn hảo chưa? Chúng ta có nên đặt ra vấn đề, môn đạo đức cần phải thành một học chính trong nhà trường?

+ Các khẩu hiệu treo ở trường từ ngày xưa là: “tiên học lễ, hậu học văn”. Sau đó thay bằng những khẩu hiệu khác: “thầy dạy tốt, trò học tốt”, mỗi nơi có khẩu hiệu riêng mình. Tuy nhiên, giờ đây, sau những chuyện xảy ra, nhiều người lại chung quan điểm với tôi cần có những khẩu hiệu dù nó là biểu tượng.

Như câu chuyện nói dối, quan sát của tôi thì thấy người lớn nói dối nhiều hơn, trắng trợn hơn trẻ con, nói dối hết ngày này qua ngày khác. Câu chuyện tiêu cực vừa rồi chúng ta thấy nhiều người lớn cũng nói dối. Đó là vấn đề đạo đức xã hội, của con người. Việc giáo dục đạo đức trong nhà trường là việc trực tiếp và quan trọng, chắc chắn phải đẩy mạnh. Vừa qua Bộ GDĐT đã nhận ra điều này nên đã đưa vào cải tiến thi cử bằng cách “cài cắm” vào môn đạo đức.

Vấn đề là chúng ta cần đặt trong bức tranh rộng hơn đó là đạo đức xã hội. Tôi nhấn mạnh yếu tố làm gương: từ thầy cô làm gương đào tạo các em, bố mẹ làm gương thì con cái mới noi theo, từ cơ quan người đứng đầu làm gương tốt thì nhân viên mới noi gương để làm tốt. Người đứng đầu dám nhận lỗi thì nhân viên mới có thể nhận lỗi được…

Vừa rồi tôi quan sát, những người dối trá hay tìm tới nhau tạo ra một đường dây và đây là khó khăn trong đấu tranh chỉ ra tiêu cực.

Thầy Tùng: "Để một người có lỗi nhận sai, nhận lỗi nó khó khăn ghê gớm 

- Thầy có cùng quan điểm: dù một quy trình có hoàn hảo tới cỡ nào thì cũng đều nằm ở con người?

+ Và vấn đề này không dễ dàng tí nào đâu, không phải chỉ riêng của ngành giáo dục mà có yếu tố xã hội rất lớn. Trừ trường hợp chúng ta đặt quyết tâm cao như các nước tiên tiến như Nhật Bản chẳng hạn, họ có lỗi ở ngành nào thì họ nhận lỗi ngay. Còn đây để một người có lỗi nhận sai, nhận lỗi nó khó khăn ghê gớm.

- Vậy Bộ GDĐT cần làm gì để lấy lại được niềm tin của toàn xã hội và ngành giáo dục có phải phát động một phong trào mới là chống xuống cấp đạo đức xã hội không, thưa thầy?

+ Việc gần nhất là giải quyết dứt điểm tiêu cực lần này. Tôi đánh giá cao vào cuộc kịp thời và tích cực của Bộ GDĐT, có sự hỗ trợ của Bộ Công an và chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ đã rất cầu thị lắng nghe, vào cuộc và bước đầu có những kết quả đáng ghi nhận.

Tiếp đó, không riêng mình tôi mà của toàn xã hội mong muốn đó là đi một cách tới nơi tới chốn, đưa tiêu cực ra ánh sáng. Đó là việc rất cần thiết. Qua thống kê thấy bất thường ở đâu đó thì Bộ đều phải cương quyết xử lý.

Thứ 2 là phải cải tiến kỳ thi cả về kỹ thuật lẫn cách thức tổ chức.

Mỗi cách làm có điểm mạnh điểm yếu, nhưng tôi không đồng tình để các tỉnh tự tổ chức, các học sinh không phải đi xa, thi ở gần nhưng việc ghép 2 kỳ thi trong 1 nó không phù hợp, ngay trong đề thi. Đề nghị hãy tách riêng 2 kỳ thi để tỉnh xem kỳ thi tốt nghiệp một cách nhẹ nhàng với xét quá trình học.

Còn tuyển sinh ĐH theo đúng luật là giao cho các trường. Chúng ta đã từng làm tốt, nếu thời gian ngắn thì các trường có thể sử dụng đề của Bộ GDĐT và trường tự lo điểm thi, trông thi và chấm thi.

Thứ 3, Bộ phải có điều chỉnh về mặt nhân sự cho kỳ thi. Con người mới là yếu tốt quyết định, chẳng hạn bộ có thể tăng cường giám sát, lựa chọn những người trông thi, thanh tra giám sát kỹ hơn.

Tôi biết là Bộ mong muốn làm tốt nhưng có thể không kiểm soát được tất cả các khâu. Bộ có thể cải thiện kỳ thi năm sau tốt hơn, để lấy lại được sự công bằng cho thí sinh, lấy lại niềm tin của xã hội.

Giáo dục là động lực phát triển của xã hội, nó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước. Số lượng học sinh thầy cô hiện nay là 20 triệu người bằng 1/4 dân số, tuy nhiên sự quan tâm tới giáo dục không chỉ là thầy cô hay học sinh mà còn là nhiều hơn thế. Gia đình, hai bên họ mạc đều dõi theo nên việc này không chỉ tác động tới giáo dục, tới những thầy cô, học sinh mà với hầu hết con người trong xã hội. Đó là điều phải đặc biệt quan tâm để chúng ta tạo hiệu ứng tích cực của giáo dục từ đó lan tỏa tích cực tới toàn xã hội./.

Song Đào

Ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ