• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyện gì đang xảy ra trong ngành giáo dục, thưa Bộ trưởng?

Thời sự 23/07/2018 17:34

(Tổ Quốc) - Vụ nâng điểm năm nay là bài học đau lòng, đáng nhớ của ngành giáo dục và cả những phụ huynh đã tiếp tay cho việc làm tiêu cực. Các học sinh phải gánh chịu hậu quả nặng nề cả về tâm lý và danh dự. Chưa chập chững vào đời đã chứng kiến những việc làm xấu xa, phi pháp của người lớn.

Thế là không chỉ Hà Giang mà liên tục xuất hiện thêm những tỉnh và thành phố có dấu hiệu gian lận trong thi cử. Nếu việc "nâng điểm không trong sáng" được thực hiện "khiêm tốn", nghĩa là nâng lên vài ba điểm cho một học sinh thôi thì rất khó bị phát hiện. Nhưng do sự liều lĩnh, nâng lên hàng chục điểm cho một học sinh nên mới bị lộ. Lại nữa, những tỉnh miền núi xưa nay điểm thi thường thấp hơn các tỉnh và thành phố miền xuôi, thế mà năm nay phổ điểm lại cao vút thì đúng là sự bất thường.

  Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Vũ Trọng Lương, một bị can trong vụ sửa điểm tại Hà Giang vừa bị phát giác. (Ảnh: Dân trí)

Chính từ sự bất thường ở Hà Giang bị phanh phui nên hàng loạt tỉnh khác cũng lần lượt bị phát giác. Từ Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình đến Kon Tum, Bến Tre và chắc chắn vẫn còn những tỉnh thành khác có sự bất thường. Đó là hiệu ứng Domino về kết quả kỳ thi 2 trong 1 năm nay.

Dư luận đặt ra câu hỏi nghi vấn rằng, thế thì những năm trước có sự nâng điểm như năm nay không? Và không ít người khẳng định, không nhiều thì ít, chắc chắn là có. Vấn đề là nâng điểm ít thì không lộ liễu và thoát khỏi thanh tra.

Bởi có sự nghi vấn này mà ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học đã đưa ra một thông điệp đáng quan tâm là: "Đối với các sinh viên đã và đang học tại các trường đại học mà bị phát hiện gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia thì cũng sẽ bị xử lí theo quy định và pháp luật hiện hành. Hình thức cao nhất là buộc thôi học và có thể bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức…



Trước vụ việc nghiêm trọng từ Hà Giang nên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã yêu cầu "tất cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc rà soát điểm thi THPT quốc gia và xử lý nghiêm sai phạm nếu có". Đây là việc đáng làm và cần làm ngay để trả lại sự công bằng cho học sinh. Tuy nhiên, chỉ để cho các địa phương tự rà soát thì khó có kết quả khả quan được bởi "trong nhà sẽ đóng cửa bảo nhau". Không ai dại gì mà "vạch áo cho người xem lưng" cả!



Thực tế thì mấy năm gần đây, kết quả thi tốt nghiệp THPT ở các tỉnh đều cao, không có nơi nào tỷ lệ đỗ chỉ 50-60% là dấu hiệu không bình thường. Vì vậy, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, việc Bộ GD-ĐT cho phép thanh tra kết quả thi THPT Quốc gia năm 2018 trên toàn quốc đã cho thấy, niềm tin của nhân dân, xã hội vào kỳ thi “2 trong 1” đang dần bị mất đi và cần có sự thay đổi.  



Hầu hết học sinh đều đỗ tốt nghiệp THPT không thực chất như thế thì khó làm căn cứ để tuyển chọn thí sinh chất lượng cao cho các trường đại học. Nhân đây, Bộ GD-ĐT cần lắng nghe dư luận xã hội, tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn để đánh giá lại toàn bộ mặt được và chưa được của kỳ thi “2 trong 1”. Đồng thời, cần kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường, không để cho các trường tuyển sinh ồ ạt, đào tạo chỉ vì lợi nhuận mà coi nhẹ lợi ích của người học.

Các trường ĐH dựa vào kết quả thi THPT quốc gia 2018 để xét tuyển chính, thế mà một số địa phương đã bị phát hiện can thiệp bài thi, nâng điểm nên nhiều trường đang lo cho nguồn đầu vào của mình. Và chắc họ cũng không khỏi giật mình vì trong số các sinh viên đang theo học, có những trường hợp đã nhập trường với số điểm giả.

Năm nay, riêng Hà Giang đã có tới 114 học sinh được nâng điểm. Như thế nghĩa là nếu không bị "khui" ra thì số học sinh này đã chiếm mất chỗ của 114 học sinh khác học hành tử tế, lẽ ra đã đủ điểm trúng tuyển nhưng trở thành trượt. Mà tìm ra trong cả nước thì sẽ còn bao nhiêu em có điểm giả như vậy, nghiễm nhiên bước vào đại học, chiếm mất ghế của các em khác. Thật là bất công!

Vụ nâng điểm năm nay là bài học đau lòng, đáng nhớ của ngành giáo dục và cả những phụ huynh đã tiếp tay cho việc làm tiêu cực. Các học sinh phải gánh chịu hậu quả nặng nề cả về tâm lý và danh dự. Chưa chập chững vào đời đã chứng kiến những việc làm xấu xa, phi pháp của người lớn.

Bùi Đức Toàn

NỔI BẬT TRANG CHỦ