(Tổ Quốc) - Vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, buýt nhanh BRT luôn phải "ngụp lặn" trên chính làn đường được bố trí riêng khi các phương tiện ồ ạt "xâm chiếm".
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, buýt nhanh BRT 01 tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa cũng đã cho thấy hiệu quả của mình. Đã có hàng triệu lượt khách sử dụng tuyến buýt nhanh làm phương tiên di chuyển hàng ngày.
Tuy nhiên sau gần 2 năm đi vào hoạt động, tuyến buýt nhanh đã không còn nhanh như kỳ vọng.
Chủ yếu là do tuyến đường ưu tiên của buýt BRT bị các phương tiện khác "xâm chiếm"
Ghi nhận của phóng viên báo điện tử Tổ Quốc tại ngã tư Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương, dù có mặt lực lượng CSGT nhưng vẫn có hàng chục phương tiện "tạt đầu", chiếm đường của buýt nhanh BRT.
Những nút giao thông trọng điểm có đặt dải phân cách để ngăn không cho các phương tiện khác lưu thông vào làn đường BTR, nhưng cũng "vô tác dụng" vào các giờ cao điểm.
Ngoài giờ cao điểm, đường riêng của buýt BRT cũng thường xuyên có các phương tiện khác đi vào, trong đó cá biệt còn có những phương tiện đi ngược chiều chiếm đường của BRT.
Tại khu vực cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ, dù có biển cấm xe máy lên cầu vào các khung giờ cao điểm nhưng dường như chiếc biển báo này như " vô hình" với người tham gia giao thông.
Không chỉ có các phương tiện giao thông mà kể cả người đi bộ cũng "tạt đầu" buýt nhanh BRT.
Chị Minh Khánh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, từ ngày có tuyến buýt nhanh BRT tôi không đi xe máy đi làm nữa. Đi xe buýt an toàn hơn nhiều, nhưng tôi thấy làm lạ là đường riêng cho xe buýt mà các phương tiện khác cứ đi vào. Đặc biệt là xe máy tạt đầu chiếm đường vô cùng nguy hiểm.
Các phương tiện "chiếm" đường riêng của buýt nhanh BRT tăng đột biến vào các khung giờ cao điểm.
Chính vì điều này, khiến tuyến buýt nhanh BRT đã không còn nhanh như kỳ vọng của nhiều người.