(Tổ Quốc) - Nguyên phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho rằng, chủ trương “Bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương” sẽ tránh được việc “bìu díu” dòng tộc, nể nang mối quan hệ anh em chú bác... Họ có thể xử lý mọi việc khách quan nhưng cũng có mặt không thuận lợi, đó là không phải ai từ nơi khác về cũng làm tốt cho địa phương.
Nguyên phó Ban Tổ chức Trung ương – ông Nguyễn Đình Hương nhận định như vậy trong trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về công tác triển khai tinh gọn bộ máy.
“Bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương” sẽ tránh được việc “bìu díu” dòng tộc, nể nang mối quan hệ anh em chú bác". |
- Theo ông, Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” đã đi vào cuộc sống hay chưa?
Ông Nguyễn Đình Hương: Việc tinh gọn bộ máy theo tôi là rất cần thiết bởi nó đang ngày càng phình ra và kết quả là người dân phải chịu đựng, thậm chí phải trả lương cho những cán bộ thừa thãi, không cần thiết.
Tới thời điểm này, việc tinh gọn bộ máy mới chỉ ở giai đoạn khởi động và còn rất nhiều bước nữa phải làm. Dù vậy, cũng đã có nhiều cơ quan Trung ương, nhiều địa phương đã bắt tay vào thực hiện. Ví như Bộ Công an – họ đã làm rất quyết liệt. Đây có thể nói là một “cuộc cách mạng”, là một điển hình của việc thu gọn bộ máy dù bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số mặt cần phải rút kinh nghiệm. Cùng với Bộ Công an, Bộ Công Thương... và một số địa phương cũng đang bắt đầu thực hiện tinh gọn bộ máy.
Bất cập lớn nhất trong tổ chức bộ máy hiện nay là chúng ta vẫn cơ cấu các Bộ theo mô hình truyền thống, gồm: Tổng cục, cục, vụ, văn phòng, thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập; trong tổng cục cũng có cục, vụ, văn phòng; trong cục, vụ, văn phòng có các chi cục, phòng, ban... Thế nên, điều quan trọng là cần phải xem xét số cán bộ dôi ra được sắp xếp như thế nào? Đây là bài toán cần phải có lời giải.
-Có quan điểm cho rằng, việc tinh gọn bộ máy cũng là cơ hội để tạo ra cuộc chạy đua, sắp xếp “ghế”, tranh chấp quyền lực nếu không tỉnh táo và nhận diện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Hương: Theo tôi thì suy nghĩ như vậy là không đúng. Nếu cứ suy nghĩ như vậy thì sẽ không làm được gì cả. Tôi cho rằng, sắp xếp bộ máy, thu gọn biên chế là một chủ trương rất đúng. Nhà đông con nuôi vất vả lắm! Thời chúng tôi trong chiến tranh chỉ có khoảng 300 tướng mà giờ tận 1.000 tướng thì chịu thế nào nổi? Chúng ta đang “thừa tướng” chứ không phải “thiếu tướng”.
Ngoài ra, ở các cơ quan, chúng ta cũng đang có quá nhiều cấp phó. Vì thế, tôi cho rằng tinh gọn bộ máy là một chủ trương đúng, rất cần làm.
Tổ chức bộ máy của chúng ta hiện đang gặp phải 3 điểm. Trong đó, điểm thứ nhất là không ai chịu trách nhiệm trước thất thoát của đất nước, anh này đổ cho anh kia. Thứ 2 là nhiều bộ máy trùng lặp. Đáng ra một công việc chỉ cần 1 người làm thì hiện nay đang 2 – 3 người làm. Thứ 3 là ngân sách không chịu đựng nổi. Muốn tăng lương mà không giảm biên chế thì ngân sách không thể đáp ứng được.
Tôi cho rằng đây là một việc làm khó khăn và gian nan. Cuộc cách mạng nào cũng có hy sinh. Cuộc thí điểm nào mà không có sự “đụng chạm”.
Dù vậy, cũng phải đề phòng quan điểm không thích ai thì giảm biên chế, cho về hưu sớm và thích ai thì nâng đỡ, để người đó lại làm việc. Trong việc này, cần phải tránh cảm tình cá nhân, nhất quen nhì thân...
- Một trong những giải pháp đột phá trong công tác cán bộ những năm tới là triển khai nhất quán chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Ông chia sẻ gì về chủ trương này?
Ông Nguyễn Đình Hương: Tôi cho rằng đây là chủ trương mới, chủ trương rất tốt nhưng lại đụng chạm đến người địa phương bởi người địa phương họ muốn khép kín, nghĩa là họ muốn “rừng nào cọp đó”, địa phương nào khép kín trong địa phương đó, không muốn có sự xuất hiện của người địa phương khác.
Hồi còn công tác tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước, trong đó, Trung Quốc và một số nước khác họ không để mấy vị trí quản lý (bí thư, chủ tịch, viện kiểm sát, toà án, tổ chức, công an...) là người địa phương.
Thực lòng mà nói, chủ trương “bí thư cấp uỷ không phải là người địa phương” sẽ giải quyết được việc “bìu díu” dòng tộc, nể nang mối quan hệ anh em chú bác...Họ có thể xử lý mọi việc khách quan nhưng cũng có mặt không thuận lợi, đó là không phải ai từ nơi khác về cũng làm tốt cho địa phương. Người của địa phương nếu làm lãnh đạo thì cũng có những lợi thế nhất định.
Nhưng dù sao tôi cũng cho rằng, lãnh đạo của một địa phương chính là người của địa phương đó hay được cử từ nơi khác về thì cũng không quan trọng bằng việc người đó có làm giàu được cho địa phương đó hay không, có vì dân vì nước hay không?
-Có thể nói, vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công cuôc tinh gọn bộ máy là vô cùng quan trọng. Ông nhận định như thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Đình Hương: Đây là trách nhiệm của tập thể, của một tổ chức kiểm soát quyền lực. Trong lạm dụng quyền lực có ba hình thức lạm dụng: cấp đất đai, cấp dự án và công tác cán bộ. Nếu không ai kiểm soát thì sẽ hỏng, kết quả sẽ lập lại.
Vì thế, tôi cho rằng vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng.
Để có một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả thì trước hết cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị. Mặc dù dù tổ chức của chúng ta là bộ đa ngành, đa lĩnh vực nhưng phải dứt khoát quan điểm một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Tuyệt đối không thể chấp nhận tình trạng như lâu nay, hễ có việc gì là không quy được trách nhiệm cho ai.
-Xin cảm ơn ông!
Hà Giang