• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bí thư Đà Nẵng: Quyết tâm cao để trả “món nợ” nước sinh hoạt cho người dân

Thời sự 25/11/2018 07:04

(Tổ Quốc) - Trước tình hình bức xúc do thiếu nước sinh hoạt những ngày đầu tháng 11 vừa qua, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã liên tục có những chỉ đạo quyết liệt để khắc phục. Nhằm tìm hiểu, nắm bắt cụ thể tình hình để có hướng chỉ đạo giải quyết vấn đề căn cơ và bền vững hơn, ngày 24/11, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã cùng với lãnh đạo các ban ngành liên quan đi kiểm tra thực tế hiện trường trạm bơm An Trạch và làm việc với Công ty CP cấp nước (DAWACO).

Thiếu nước giưa mùa mưa– nguyên nhân chủ quan là chính

Từ ngày 20/10 đến ngày 9/11 vừa qua, cả thành phố Đà Nẵng lâm vao tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại nhiều khu vực. Theo Sở Xây dựng cho biết, trong những ngày này, nguồn nươc thô tại cửa thu nước Cầu Đỏ nhiễm mặn kéo dài; đặc biệt trong giai đoạn từ ngày 4-7/11 độ mặn vượt quá 1000mg/l, cá biệt vào ngày 5/11, độ mặn đo được đã vọt lên đến mức 4374mg/l dẫn đến nguồn nước thô không sử dụng được. Trong điều kiện đó, trạm bơm An Trạch (vốn chỉ là trạm bơm phòng mặn) phải vận hành hết công suất để đảm nhận việc cung cấp nước cho nhà máy nước Cầu Đỏ.

Bí thư Đà Nẵng: Quyết tâm cao để trả “món nợ” nước sinh hoạt cho người dân - Ảnh 1.

Trạm bơm phòng mặn An Trạch.

Nguyên nhân khách quan là tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan bất thường, hạn hán thiếu nước từ đầu nguồn nên không đủ nước đẩy mặn tại Sông Cầu Đỏ. Nhưng nguyên nhân chủ quan theo Sở Xây dựng thừa nhận là chưa chủ động kịp thời có giải pháp xử lý tình trạng thiếu nước sạch trong trường hợp bị nhiễm mặn nặng (trên 1000mg/l); công tác bảo trì bảo dưỡng may móc chưa thường xuyên (tại thời điểm có sự cố nhiễm mặn chỉ có 3 máy bơm hoạt động, 3 máy bơm còn lại không bảo đảm yêu cầu vận hành bình thường cũng như khi xảy ra sự cố).

Sau khi nghe ý kiến trình bày của các đơn vị, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước nêu trên phần lớn là do chủ quan, công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng hệ thống cung cấp nước đang bộc lộ những yếu kém hạn chế cần được khắc phục.

Dẫu có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, có thể coi là trường hợp hy hữu khi "thiếu nước giữa mùa mưa" nhưng tình trạng này vẫn gây bức xúc lớn trong nhân dân và đang đặt ra những vấn đề  phải giải quyết để đảm bảo cung cấp nước sạch cho thành phố an toàn và bền vững

Đầu tư nhà máy nước Hòa Liên – Khẩn trương và quyết liệt

Nước là nhu cầu thiết yếu cao nhất của người dân, là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng cuộc sống. Hiện tại, thành phố đang cung cấp nước sạch bình quân khoảng 270.000m3/ngày- đêm. Dự báo năm 2019 nhu cầu nước sạch sẽ vào khoảng 351.000m3; đến năm 2020 là 462.000 m3/ngày- đêm và với tình hình tăng trưởng của thành phố thì dự báo sẽ phải cung cấp đến 536.000m3/ngày-đêm. Đảm bảo an ninh nguồn nước, đầu tư nhà máy nước Hòa Liên, nâng cấp nhà máy nước Cầu Đỏ, xây dựng thêm các hồ dự trữ nước … đang là những bài toán khó được đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tăng thêm.

Bí thư Đà Nẵng: Quyết tâm cao để trả “món nợ” nước sinh hoạt cho người dân - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kiểm tra thực tế tại trạm bơm An Trạch.

Theo tính toán của Sở Xây dựng, trong năm 2019, với sự nâng cấp 2 giai đoạn của nhà máy nước Cầu Đỏ mỗi giai đoạn 60.000m3) cùng với các công trình hồ Hòa Trung, suối Lương, Khe Cạn … có thể đảm bảo cung cấp nước cho thành phố.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đặc biệt quan tâm đến  việc đầu tư nhà máy nước Hòa Liên với công suất dự kiến 120.000m3/ngày-đêm. Dự án này đã được đề cập từ năm 2012 nhưng qua nhiều lần điều chỉnh, thay đổi hình thức đầu tư, nguồn đầu tư, chủ đầu tư đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. 

Qua thảo luận với 4 phương án đầu tư được đưa ra, Sở Tài chính khẳng định dự án này hoàn toàn có thể đầu tư theo hình thức đầu tư công, ngân sách thành phố đủ khả năng cân đối 1243,71 tỷ đồng cho dự án. Với phương án này, nhà máy nước Hòa Liên sẽ được thực hiện trong thời gian khoảng 24 tháng. 

Với việc đầu tư công dự án này, giá nước dự tính sẽ giảm hơn so với việc đầu tư theo phương thức BOT, sử dụng vốn của công ty DAWACO hay vay từ Quỹ đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc đầu tư công cũng buộc yêu cầu thực hiện các quy định về thủ tục đầu tư chặt chẽ đầy đủ, phải qua quy trình rà soát khắt khe. Về vấn đề này, Bí thư Đà Nẵng giao UBND thành phố khẩn trương báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy quyết định về chủ trương đầu tư, báo cáo thông qua HĐND tại kỳ họp sắp tới. "Tuân thủ đúng quy định của pháp luật, lựa chọn cách thức đầu tư sao cho nhanh chóng, hiệu quả nhất, có lợi cho người dân nhất", Bí thư Trương Quang Nghĩa chỉ đạo.

 Đảm bảo an ninh nguồn nước 

Cùng với việc xây dựng các công trình cấp nước, việc đảm bảo an ninh nguồn nước cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ. Hiện nay nguồn cung cấp nước cho thành phố Đà Nẵng qua nhà máy nước Cầu Đỏ toàn bộ lấy từ nguồn các con sống phía thượng nguồn là Quảng Nam. Thời gian qua, do việc xây dựng các công trình thủy điện trên lưu vực các sông Vu Gia-Thu Bồn dẫn đến việc chia bớt phần nước về Đà Nẵng. 

Trong các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nước thô về nhà máy nước Cầu Đỏ, tăng lượng nước dẫn về sông Cầu Đỏ để đẩy mặn, thành phố cần làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tỉnh Quảng Nam đề nghị nghiên cứu lại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, điều phối lượng nước xả trong mùa cạn và mùa lũ; đồng thời đề nghị với Quảng Nam đắp đập tạm ngăn dòng trên sông Quảng Huế, nâng cao trình đỉnh đập sông Quảng Huế để tăng lượng nước hạ du sông Vu Gia, khôi phục trạng thái tự nhiên trước đây, phục vụ cho sinh hoạt sản xuất.

Nguồn cung cấp nước cho Đà Nẵng từ các sông lớn của Quảng Nam tuy dồi dào nhưng cũng tiềm ẩn những lo ngại do quá trình khai thác các tài nguyên và các công trình phía đầu nguồn. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức khảo sát đánh giá lại nguồn cung cấp nước thô cho thành phố, trong đó chú trọng nguồn nước từ sông Cu Đê. 

Sông Cu Đê nằm trọn trên địa bàn thành phố, thuận lợi cho việc chủ động nguồn nước; đầu nguồn sông hầu như không có hoạt động khai thác tài nguyên đáng kể; nguồn nước cơ bản sạch để phục vụ cho cấp nước sinh hoạt cho đô thị. Tuy vậy, cần đánh giá thực trạng về trữ lượng, khả năng ổn định nguồn nước cùng với các biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn cho kỹ càng.

Bí thư Đà Nẵng: Quyết tâm cao để trả “món nợ” nước sinh hoạt cho người dân - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo việc giải quyết các vấn đề về nước sinh hoạt cho người dân.

Cũng tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo tình hình tổ chức hoạt động của Công ty DAWACO, Bí thư Trương Quang Nghĩa cho rằng đây là doanh nghiệp công ích quan trọng nhưng việc quản lý còn nhiều bất hợp lý khi có đến 3 cơ quan cùng quản lý là Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Nội vụ. 

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, chỉ nên giao cho Sở Xây dựng quản lý toàn diện các mặt của công ty, có chỉ đạo trực tiếp hoạt động thì sẽ góp phần khắc phục được hạn chế trong vận hành cung cấp nước. Vấn đề cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ cũng cần có sự cân nhắc tính toán kỹ, đảm bảo cổ phần chi phối của Nhà nước, đem đến lợi ích hơn cho người dân.

"Nước và Rác là hai vấn đề quan trọng, thể hiện chất lượng cuộc sống của người dân Đà Nẵng. Đây là vấn đề bức thiết mà chúng ta còn nợ người dân, đòi hỏi lãnh đạo Thành ủy, UBND, các sở ngành liên quan phải vào cuộc với tinh thần quyết liệt và trách nhiệm cao để giải quyết. Không thể để  nợ lâu hơn được nữa." Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh về trách nhiệm giải quyết của các ngành các cấp đối với những vấn đề bức thiết này.

Theo danang.gov.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ