(Tổ Quốc) - Sáng nay (4/2), Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã đến thăm và chúc Tết Tổng Công ty vận tải Hà Nội.
- 02.02.2021 Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ: Ưu tiên bố trí ngân sách mua vắc xin Covid-19 cho toàn bộ người dân Thủ đô
- 05.01.2021 Bí thư Hà Nội: “Khu chung cư cả nghìn hộ mà chỉ có mấy trăm chỗ để xe, dân sao chịu nổi”
- 18.12.2020 Bí thư Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên
Gửi lời động viên, thăm hỏi và chúc mừng tốt đẹp nhất đến tập thể Tổng Công ty vận tải Hà Nội nhân dịp Xuân Tân Sửu 2021, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ghi nhận, dù phải chịu nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, Tổng Công ty đã nỗ lực để đạt được nhiều kết quả trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh.
Nhấn mạnh du lịch là cầu kéo cho các ngành phát triển trong đó có vận tải Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong năm qua, du lịch bị thiệt hại khoảng 3,5 tỷ USD, trước đây du lịch đóng góp vào tăng trưởng thành phố 12,4 % nhưng năm vừa rồi chỉ hơn 3%, do đó, hoạt động vận tải trên địa bàn cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Doanh thu của Tổng Công ty vận tải Hà Nội trong năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước.
Về diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, do chủng mới vi rút SARS-CoV-2 có tỉ lệ lây nhiễm rất cao, vì vậy, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực xe buýt đảm bảo lượng khách không quá 20 người/chuyến. Để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, Tổng Công ty vận tải Hà Nội cần phải tính toán để tăng chuyến.
Về nhiệm vụ của năm 2021, Bí thư Vương Đình Huệ yêu cầu Tổng Công ty vận tải Hà Nội tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, đồng thời đưa ra các giải pháp thích ứng với tình hình dịch bệnh mới để có kế hoạch kinh doanh hiệu quả nhất.
Năm 2021 Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đi vào hoạt động, do đó cần phải tính bài toán kết nối với các phương tiện vận tải khác như thế nào. "Một chuyến tàu có 900 người, lúc xuống tàu thì đón kiểu gì" - Bí thư đặt câu hỏi, đồng thời yêu cầu không để xảy ra tình trạng "thông chỗ này, tắc chỗ kia".
Về các giải pháp căn cơ và lâu dài, Bí thư cho rằng, Tổng Công ty vận tải Hà Nội cần phải xác định được vị thế của mình. Mục tiêu là phải phát triển nhanh, bền vững, xây dựng thương hiệu là đơn vị hàng đầu về vận tải của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Xác định giá trị cốt lõi của Tổng Công ty là phải chuyên nghiệp, Bí thư nhấn mạnh, cần phải thực hiện tốt cả chính sách và đội ngũ nhân viên. "Giá trị nhất của Hà Nội là con người và văn hóa, vì vậy Tổng Công ty vận tải Hà Nội phải xây dựng đội ngũ nhân viên dẫn đầu về thực hiện bộ quy tắc ứng xử mà thành phố đã đề ra" - Bí thư yêu cầu.
Cùng với đó, một mục tiêu mà Tổng Công ty vận tải Hà Nội hướng đến đó là sự hiện đại. Theo đó, phải ứng dụng rộng rãi và nhanh chóng các điều hành thông minh và ứng dụng hiện đại. Tương lai phải đầu tư xe chạy bằng điện, đây là vấn đề tất yếu mà ngành vận tải phải hướng đến đó là "thân thiện, thông minh với môi trường".
Ngoài ra, Tổng Công ty cũng cần phải khai thác hiệu quả dịch vụ bến bãi, các điểm trông giữ xe. Từng bước cổ phần hóa, nâng cao thu nhập cho người lao động.
"Giá trị cốt lõi nữa là vấn đề hợp tác, phải vừa sáng tạo vừa hiệu quả. Hà Nội có nhiều phố cổ, phố cũ, do đó cần phải đầu tư nghiên cứu các phương tiện giao thông phù hợp để đa dạng, thích ứng thực tế giao thông tại Thủ đô" - Bí thư gợi ý.
Theo báo cáo từ Tổng Công ty vận tải Hà Nội, năm 2020 do tác động của dịch Covid-19, những lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty như vận tải, thương mại dịch vụ… bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh khó khăn không có doanh thu khi phải dừng hoạt động kinh doanh trong tháng tư cùng với sự sụt giảm sản lượng, doanh thu trong những tháng tiếp theo đã tác động rất lớn đến hiệu quả SXKD của Tổng công ty. Việc đảm bảo thu nhập, việc làm cho một số lượng rất lớn (gần 10.000 người) người lao động là một thách thức không nhỏ đối với Ban lãnh đạo Tổng công ty.
Trước bối cảnh đó, Tổng công ty đã chủ động xây dựng các kịch bản điều hành theo diễn biến thực tế, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời linh hoạt nên phần nào giảm thiểu được tác động của dịch bệnh đến hoạt động SXKD chung của Tổng công ty. Kết quả doanh thu cả năm đạt 2.500 tỉ đồng, bằng 103,9% kế hoạch, giảm khoảng 17,5% so với năm 2019, kết quả lợi nhuận hoàn thành yêu cầu bảo toàn vốn của Thành phố giao.