(Tổ Quốc) - Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, chiến dịch xét nghiệm diện rộng phòng, chống dịch Covid-19 là biện pháp cấp bách nhằm bóc tách triệt để F0, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.
Biện pháp trúng, đúng và rất cần thiết trong lúc này
Trao đổi với báo chí, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, muốn xác định được người nhiễm bệnh, xác định được ổ dịch thì chỉ có xét nghiệm. Đây là bước quan trọng để thực hiện chiến lược xuyên suốt theo 5 nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch".
Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24-7-2021, tuy nhiên mỗi ngày vẫn ghi nhận trung bình 60-80 ca mắc mới/ngày, có ngày trên 100 ca; xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, có nhiều ca bệnh trong cộng đồng và chưa xác định được nguồn lây. Dịch bệnh đã xuất hiện trong các bệnh viện, nhà máy sản xuất, cơ quan, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối... và tiếp tục có nguy cơ bùng phát nếu không có các biện pháp quyết liệt hơn nữa.
Với chủng mới Delta, các trường hợp F0 tiềm ẩn ít biểu hiện nên rất khó phát hiện nhưng lại có khả năng lây nhiễm cao. Chúng ta không thể chờ F0 biểu hiện để bóc tách ra khỏi cộng đồng và rất khó khăn nếu kéo dài giãn cách xã hội. Do đó, việc tổ chức xét nghiệm diện rộng là nhằm để chủ động tìm và bóc tách triệt để F0, không để dịch lây lan, bùng phát.
"Mặc dù chiến dịch xét nghiệm mới triển khai được một vài ngày nhưng sau khi lấy được hơn 200.000 mẫu, đã phát hiện 17 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Điều này cho thấy đây là biện pháp trúng, đúng và rất cần thiết trong lúc này" - ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đinh Tiến Dũng, dù là chiến dịch xét nghiệm diện rộng nhưng thành phố thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm thực chất, hiệu quả. Việc chỉ định xét nghiệm phải đúng, trúng khu vực nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng da cam), nhóm đối tượng nguy cơ và mở rộng xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình.
Ngay từ khâu chuẩn bị đã phải thật chu đáo, toàn diện. Phương án lấy mẫu, làm xét nghiệm phải thống nhất, phù hợp năng lực xét nghiệm trong 24 giờ không để mẫu tồn và khi phát hiện ra ca nhiễm thì phải khẩn trương tổ chức khoanh vùng xử lý triệt để ngay không để dịch bệnh bùng phát.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thêm, trên cơ sở đánh giá nguy cơ của ngành Y tế, các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo tổ chức lấy mẫu và chia theo 3 khu vực: Khu vực đỏ (vùng có dịch, nguy cơ cao nhất), khu vực da cam (nguy cơ cao) và khu vực vàng (nguy cơ). Cách thức đánh giá phải tuân theo các văn bản hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Việc lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình sẽ được thực hiện tại các quận và các huyện có nguy cơ cao theo chỉ định về mặt dịch tễ của ngành y tế. Mỗi gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao nhất, có thể căn cứ theo tiền sử di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thường xuyên tới các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ...
Thành phố sẽ tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR, bao gồm xét nghiệm cho toàn bộ người dân tại "vùng đỏ"; xét nghiệm cho những người có ho, sốt, khó thở... qua khai báo y tế; xét nghiệm cho "vùng da cam" bao gồm các đối tượng là nhân viên y tế, bệnh nhân, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị, lái xe, người giao hàng, bảo vệ tòa nhà...
Chậm nhất ngày 17/8 phải hoàn thành
Ông Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, chiến dịch xét nghiệm lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, tiến độ đòi hỏi nhanh (chậm nhất ngày 17-8 phải hoàn thành). Do đó, đòi hỏi các đơn vị tham gia và điều phối phải nêu cao ý thức trách nhiệm, quyết tâm thực hiện ở mức cao nhất để tranh thủ từng phút, từng giờ, bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng.
Chính vì vậy, Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo huy động tổng lực ngành Y tế tham gia chiến dịch này. Ngoài các đơn vị công lập, phải huy động các bệnh viện tư nhân đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 tham gia; đề nghị các bệnh viện, đơn vị y tế của Trung ương, bộ, ngành hỗ trợ; huy động thêm các đội ngũ khác như sinh viên, cán bộ y tế ngoài công lập, y tế học đường... để bổ sung cho lực lượng y tế trong việc lấy mẫu diện rộng, nhập số liệu...
Sở Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo việc chuyển mẫu xét nghiệm, bàn giao mẫu và thực hiện xét nghiệm không để tồn mẫu và bảo đảm tiến độ trả kết quả xét nghiệm; chỉ ký hợp đồng với các đơn vị thực hiện xét nghiệm đủ điều kiện năng lực theo quy định, bảo đảm chất lượng, liên tục giám sát công tác an toàn phòng chống dịch, dừng ngay hoạt động khi có sự cố lây nhiễm chéo trong quá trình thực hiện.
Cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện, thị xã phải xây dựng kế hoạch triển khai, bố trí địa điểm lấy mẫu xét nghiệm phù hợp tình hình thực tế của địa phương, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn bảo đảm tuyệt đối an toàn. Chỉ đạo rà soát, lập danh sách, huy động đối tượng xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế bảo đảm linh hoạt, đủ số lượng theo kế hoạch, theo khung giờ để bảo đảm giãn cách. Đồng thời phân công lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn người dân thực hiện giãn cách tại khu vực lấy mẫu xét nghiệm. Chỉ đạo việc chuyển mẫu xét nghiệm tới các cơ sở thực hiện xét nghiệm theo phân luồng tiếp nhận mẫu.
Thành ủy cũng kêu gọi người dân nhận thức sâu sắc rằng, việc xét nghiệm trước hết là nhằm bảo vệ sức khoẻ của chính mình; nên nếu thuộc đối tượng lấy mẫu xét nghiệm, mong bà con chủ động, tích cực hợp tác, giúp đỡ cơ quan chuyên môn hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc cách ly giữa người với người, gia đình với gia đình.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, người dân nên tuân thủ nghiêm các khuyến cáo hoặc yêu cầu về cách ly hoặc điều trị khi cần thiết để bảo vệ sức khoẻ bản thân và vì sự an toàn của cộng đồng.