Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM chỉ ra hạn chế trong giáo dục của chúng ta chính là văn hóa nghe lời, thiếu tranh luận. Học trò mà chất vấn thầy cô, bị xem là… thiếu lễ phép.
- 11.08.2018 Tp. Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng
- 13.08.2018 TP. Hồ Chí Minh: các trường phải báo cáo tình trạng nhà vệ sinh trước 17/8
- 14.08.2018 Tăng biên chế giáo viên: ngành Giáo dục cần làm rõ nhu cầu thực sự
- 14.08.2018 Áp lực sĩ số đến bao giờ mới giải quyết được?
Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai năm học 2018-2019 của ngành giáo dục TPHCM diễn ra vào sáng 14/8, ông Nguyễn Thiện Nhân có nhiều tâm tư, chia sẻ về các vấn đề giáo dục và những lời gửi gắm đến đội ngũ quản lý, giáo viên, học trò thành phố.
Ông Nhân kể, khi đến Israel công tác, ông đã phải đặt câu hỏi với đối tác tại sao, bí quyết nào để đất nước họ thành công. Khi đó, họ đã chỉ tay về phía bãi biển, nơi đám trẻ nhỏ đang chơi đùa và nói với ông: "Bí quyết của chúng tôi nằm ở đó!".
Họ giải thích, những đứa trẻ đang vui đùa đó nhưng có một đặc điểm, khi học chúng không bao giờ hài lòng với những điều người khác trình bày sẵn. Chúng luôn đặt câu hỏi tại sao như vậy và có thể làm khác được không. Tính tranh luận, phản biện là một nét văn hóa của người Israel được hình thành ngay từ nhỏ. Bởi nếu không đặt câu hỏi này ngay từ nhỏ thì lớn lên không có nhu cầu để sáng tạo. Và giáo viên chấp nhận câu hỏi của học trò trong mọi vấn đề.
"Bí quyết của một quốc gia gia sáng tạo là mọi người phải có thói quen được hỏi, được giải đáp và được đề nghị làm khác đi", ông Nguyễn Thiện Nhân nói và đặt câu hỏi cho tất cả những người tham dự: "Điều này chúng ta có làm được không?".
Và ông Nhân tự lắc đầu trả lời cho rằng đây không phải là điều dễ dàng khi chúng ta thiếu văn hóa tranh luận. "Thầy cô nói nhiều khi như chân lý, học trò không được chất vấn thầy cô. Chúng ta đang bị nhầm lẫn giữa sự tôn trọng và để cho các em tự do sáng tạo, chủ động, được hỏi và làm khác đi. Học trò chất vấn thầy cô còn bị xem là thiếu lễ phép".
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM |
Nhấn mạnh vai trò về giáo dục, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, một đất nước, một quốc gia chỉ có thể giữ vững được độc lập, chủ quyền nhờ sự vượt trội về trí tuệ, về khoa học công nghệ. Giáo dục là quốc sách là phải coi yếu tố con người là hàng đầu.
Bàn về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, chúng ta phải thừa nhận chúng ta có gì đó chưa đúng nên cần đổi mới căn bản, toàn diện. Theo ông, quá trình giáo dục truyền thống là truyền đạt. Bây giờ từ dạy học phải nhấn mạnh đến tự học và nhấn mạnh tính ứng dụng trong nhà trường vào cuộc sống.
Quá trình này, vai trò của người thầy cực kỳ quan trọng. Ông Nhân chỉ ra 3 tiêu chí của người thầy hiện đại:
Thứ nhất, người thầy phải là một tấm gương cho học trò trong mọi vấn đề, ngay trong những giờ lên lớp.
Thứ hai, người thầy phải là một tấm gương tự học - học từ lý luận, học từ thực hiện, học từ đồng nghiệp, học từ học sinh. Nhắc đến yếu tố tự học, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Sở GD-ĐT TPHCM cần có thống kê, bao nhiêu phần trăm giáo viên từ 30 tuổi trở lên, làm chủ được một ngoại ngữ. Bởi ngoại ngữ cực kỳ quan trọng trong việc tiếp nhận tri thức, không có ngoại ngữ thiệt thòi vô cùng.
Thứ ba, người thầy là tấm gương sáng tạo. Sáng tạo ngay trong công việc của mình, trong mỗi bài giảng, trong lúc giao tiếp với học trò. Chỉ khi thầy cô sáng tạo thì mới tạo điều kiện, hỗ trợ học trò sáng tạo.
Đối với học sinh, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, việc học cần giúp các em đạt được những năng lực cơ bản. Học xong phổ thông thì trước hết phải đủ năng lực làm công dân tốt - công dân Việt Nam trong điều kiện hội nhập. Việc học tiếp đó là học để có việc làm hiệu quả và học để không ngừng nâng cao tri thức.
Hoài Nam/ Dân trí