(Tổ Quốc) - Để ký kết hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, bên bán thường mời người mua đến dự các hội thảo, sự kiện. Tại đây bên bán sẽ tung ra các gói giảm giá hấp dẫn, cung cấp lượng thông tin quá tải về ưu điểm của loại hình này để "gài" người mua nhanh chóng chốt hợp đồng.
- 24.05.2023 Sở hữu kỳ nghỉ - Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Sở hữu kỳ nghỉ, hay gọi là timeshare, có thể hiểu là mô hình du lịch cung cấp quyền lưu trú, nghỉ dưỡng cho người mua tại khu nghỉ dưỡng cao cấp nào đó trong một khoảng thời gian xác định hàng năm, ở một số năm nhất định.
Mô hình timeshare xuất hiện đầu tiên trong ngành du lịch Pháp vào năm 1960, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu và châu Mỹ, trở thành xu hướng du lịch mới được nhiều du khách lựa chọn.
Ở Việt Nam, mô hình sở hữu kỳ nghỉ mới xuất hiện cách đây vài năm. Mặc dù vốn có nhiều ưu điểm tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam, mô hình này đã bị biến tướng rất nhiều, thậm chí được lợi dụng để hoạt động lừa đảo khiến khách hàng mất thiện cảm.
Khai thác khuynh hướng tâm lý người mua thông qua hội thảo, sự kiện
Theo đại diện Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia - Bộ Công Thương, về bản chất, hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là một giao dịch dân sự được xác lập giữa hai bên để cung cấp dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ. Khi giao kết hợp đồng, người mua có quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số địa điểm trong khoảng thời gian nhất định, thường là dài hạn.
Quyền lợi cơ bản của người mua là quyền nghỉ dưỡng, quyền nghĩ dưỡng này thường là định kỳ hằng năm (ví dụ như 1 tuần/1 năm) và có khoảng thời gian kéo dài nhất định đối với các khoản phí quy định ở trong hợp đồng. Cần lưu ý, ở đây chỉ là quyền sở hữu về nghỉ dưỡng, quyền về dịch vụ chứ không phải sở hữu bất động sản. Ngoài sử dụng, người mua cũng có quyền chia sẻ hoặc trao đổi dịch vụ với người khác tùy vào điều khoản trong hợp đồng.
Trách nhiệm của người bán là cung cấp đúng số lượng tuần nghỉ, đúng số lượng, loại hình căn hộ đã giao kết.
Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết còn thực tế quyền của người mua cũng như trách nhiệm của người bán hoàn toàn phụ thuộc vào hợp đồng mà hai bên ký kết với nhau.
Theo đại diện Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia, bên cung cấp dịch vụ thường có xu hướng khai thác tâm lý của người mua. Chẳng hạn mời người mua đến tham gia sự kiện và tại sự kiện đó sẽ đưa ra các ưu đãi, các chính sách chiết khấu hấp dẫn.
"Ví dụ như tổng giá trị hợp đồng này là 300 triệu đồng nhưng nếu ký kết ngay trong ngày sẽ giảm xuống còn khoảng 200 triệu đồng. Hoặc tại sự kiện đó, bên cung cấp dịch vụ sẽ cung cấp lượng thông tin quá tải về các ưu điểm của loại hình này như nếu mua trọn gói thì số tiền phải trả cho 1 đêm nghỉ dưỡng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với số tiền mua lẻ từng đêm, hoặc ngoài việc đi nghỉ dưỡng trực tiếp thì có thể chuyển nhượng cho bên khác để sinh lời hay trao đổi địa điểm nghỉ dưỡng với người khác ở các địa điểm khác trong hệ thống, thậm chí là các địa điểm ở nước ngoài.
Với những thông tin hấp dẫn như vậy, bên bán sẽ hạn chế người mua có thể tiếp cận, quan tâm những vấn đề rủi ro và khả năng có sử dụng hết các dịch vụ nghỉ dưỡng đó trong tương lại hay không", đại diện Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia cho biết.
"Tay không bắt giặc" bán kỳ nghỉ cho khách hàng
Đại diện Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, hiện có 9 nhóm hàng hóa dịch vụ đã được đưa vào danh sách quản lý trước khi thông qua (tiền kiểm) nhưng chưa có loại hình hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện chưa nằm trong danh sách "tiền kiểm" mà Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Chính vì vậy bên bán có thể tự do đưa ra các hợp đồng với khách hàng, ở đây thường có 2 trường hợp.
Thứ nhất là người bán "tay không bán hàng", nghĩa là người bán chưa sở hữu bất kỳ dự án nào cả nhưng vẫn bán dịch vụ cho người mua.
Đây là hình thức có rủi ro rất lớn, khi người bán chưa sở hữu dự án hay khách sạn thì sẽ phải hợp tác với các đơn vị thứ ba (chủ sở hữu các dự án, khách sạn). Như vậy việc thực hiện hợp đồng trong tương lai sẽ phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ giữa người bán và bên thứ ba. Nếu mối quan hệ đó có trục trặc hoặc thậm chí bên bán rút lui, biến mất khỏi thị trường thì việc cung cấp hợp đồng cho bên mua bị đứt gãy hoàn toàn.
Tuy nhiên, trường hợp thứ hai, bên bán sở hữu khách sạn, khu dự án thì rủi ro vẫn đến. Khi người mua bỏ ra số tiền lớn để mua dịch vụ hàng năm vẫn phải trả các khoản phí khác như phí duy trì (hay còn gọi là phí thường niên), nếu không đóng thì sẽ không được quyền sở hữu kỳ nghỉ đấy. Đối với những nhà đầu tư "lướt sóng" thì việc có chuyển nhượng, có bán được hay không sẽ phụ thuộc vào thị trường và chính sách của bên bán có cho phép hay không, nếu hai yếu tố đó bất lợi thì việc đầu tư rất dễ sẽ đổ vỡ.
Đại diện Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia nhấn mạnh, người mua phải kiểm tra thông tin kỹ lưỡng. Trước khi tham gia bất cứ giao dịch nào cần phải có sự tìm hiểu kỹ, không thể nghe theo thông tin một chiều mà mình được cung cấp.
Cần tìm hiểu kỹ bản thân người bán là ai, dự án là gì, việc liên kết hợp tác như thế nào cần được liệt kê cụ thể và có sự kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng về tư cách pháp lý cũng như khả năng cung ứng của bên bán trước khi giao kết.
Xây dựng cơ chế "tiền kiểm" để quản lý mô hình sở hữu kỳ nghỉ
Cũng theo đại diện Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia, hiện Bộ Công Thương đang trình dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong dự án Luật này sẽ có sự kế thừa luật năm 2010 và cũng sẽ thêm cơ chế tiền kiểm đối với các loại hình dịch vụ như sở hữu kỳ nghỉ.
Cụ thể, theo dự thảo luật, Thủ tướng Chính phủ là người có thẩm quyền quyết định danh mục các hàng hóa dịch vụ cần đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Sau khi luật được thông qua, Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia sẽ tham gia vào công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật và trong đấy có thể có các quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hướng dẫn về quản lý mô hình sở hữu kỳ nghỉ.
Đại diện Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, trước khi nhà nước có chính sách "tiền kiểm" đối với mô hình này thì có một số vấn đề đặc biệt cần lưu ý người dân trước khi ký kết hợp đồng.
Thứ nhất, cần rà soát các nội dung mang tính quảng cáo hay ưu đãi hấp dẫn, mô tả dịch vụ có trùng khớp với nội dung thể hiện ở trong hợp đồng hay không. Khi có sự chênh lệch bất kỳ hoặc sự không rõ ràng nào trong hợp đồng thì ngay lập tức cần đề nghị bên bán làm rõ, cung cấp thêm thông tin và điều chỉnh các nội dung này.
Thứ hai, phải dành thời gian xem kỹ hợp đồng vì bên bán luôn có xu hướng khai thác khuynh hướng tâm của khách hàng và thường chốt được rất nhiều hợp đồng tại buổi hội thảo, sự kiện.
"Người tiêu dùng cần lưu ý tại thời điểm đấy những ưu đãi mình nhận được có thể sẽ không lớn bằng những thiệt hại sau này nếu quyết định vội vàng. Trên thực tế đối với các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ khách hàng chỉ có thể tận dụng tối đa tiền mình bỏ ra khi sử dụng nó trên thực tế, còn nếu không dành thời gian nghỉ trên thực tế thì số tiền bỏ ra sẽ lớn hơn rất nhiều những gì nhận được", đại diện Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia cho biết.
Bên cạnh đó, khi ký kết hợp đồng phải lưu ý tất cả các khoản phí bởi khi ký kết khách hàng thường chỉ được thông báo các khoản phí cho thời gian lâu dài. Tuy nhiên, ngoài khoản vì lâu dài đó còn có thể có các khoản phí duy trì hàng năm, hoặc khi trao đổi, chuyển nhượng cho người khác thì cũng đều có thể phát sinh các khoản phí nhất định và những khoản phí đấy sẽ không được đề cập đến trong các thông tin quảng cáo cũng nhưng không được quy định rõ ràng trong nội dung hợp đồng.