• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Biết bị cấm, nhưng bộ tam quyền lực của ngân hàng Đông Á vẫn “quyết chí” bán vàng

Kinh tế 25/06/2018 13:50

(Tổ Quốc) - Với vai trò Tổng giám đốc (TGĐ) DAB, ông Bình biết rõ việc xuất vàng miếng cho đối tác nước ngoài “bị cấm”, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới xuất vàng miếng ra khỏi kho để bán cho công ty INTL của Mỹ.

 Việc "cố ý" bán viếng miếng của bộ tam quyền lực DAB đã khiến ngân hàng này thiệt hại gần 29 triệu USD (khoảng hơn 600 tỷ đồng). Hình minh họa: Người lao động.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 01/2010/TT-NHNN ngày 06/01/2010, việc kinh doanh vàng tài khoản của DAB (Ngân hàng Đông Á) với đối tác nước ngoài phải chấm dứt. DAB phải tiến hành đóng trạng thái tài khoản giao dịch vàng tài khoản tại nước ngoài, hạn chậm nhất vào ngày 30/06/2010.

Để đối phó với quy định trên, ông Trần Phương Bình (Nguyên TGĐ, Phó chủ tịch HĐQT,  Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á), đã chỉ đạo và cùng với cấp dưới của mình là Nguyễn Thị Kim Xuyến (Nguyên phó TGĐ DAB) ,Nguyễn Thị Kim Loan (Nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Hội sở DAB, đồng thời cũng là người phụ trách, theo dõi việc kinh doanh xuất khẩu vàng, kinh doanh vàng tài khoản với đối tác nước ngoài) bàn bạc, thống nhất để tìm ra “hướng đi cho vàng miếng của DAB”.

Sau khi nghiên cứu và tính toán, bộ tam quyền lực (Bình – Xuyến- Loan) đã tìm được đường đi cho vàng miếng của DAB.

Thực hiện kế hoạch mà bộ tam quyền lực này đề ra, vàng miếng của DAB được xuất khỏi kho, chuyển thẳng đến công ty TNHH Tân Vạn Hưng ở địa chỉ 136 đường Lý Thường Kiệt, phường 8, quận Tân Bình, TP HCM. Tại đây, vàng miếng của DAB được gia công thành vàng trang sức, sau đó sử dụng chính pháp nhân của Tân Vạn Hưng để mở tờ khai hải quan xuất khẩu vàng trang sức qua cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất cho đối tác nước ngoài là công ty INTL ở Mỹ.

Theo đó, trong hai năm (2010, 2011) Tân Vạn Hưng đã có 06 tờ khai hải quan đứng tên mình tại Chi cục Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất. Tổng lượng vàng mà Tân Vạn Hưng xuất trong hai năm này lên tới 29.858,15 lượng vàng SJC dưới dạng trang sức. Tống giá trị xuất khẩu của số vàng trên là gần 52 triệu USD. Vậy nhưng, theo kết quả điều tra cho thấy, tài khoàn chỉ định thanh toán tiền cho số vàng nêu trên chỉ được đối tác nhập khẩu – công ty INTL, Mỹ thanh toán số tiền gần 23 triệu USD (tương đương với 14.078,47 lượng vàng), số tiền còn lại (gần 29 triệu USD), không được đối tác thanh toán.

Về việc này, Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, Bộ Công an đã yêu cầu tương trợ tư pháp của Bộ Tư pháp Mỹ để phối hợp điều tra, làm rõ việc xuất khẩu vàng, kinh doanh vàng tài khoản của DAB với công ty INTL.

Theo lời khai ông Bình và bà Xuyến: Mặc dù DAB đã hết hạn mức xuất khẩu vàng vật chất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng do DAB vẫn còn nhu cầu xuất khẩu vàng vật chất, nên đã thống nhất với đại diện của công ty Tân Vạn Hưng việc xuất vàng miếng cho đơn vị này gia công thành vàng trang sức rồi “bán” cho đối tác nước ngoài ở  Mỹ. Mục đích của việc “bán vàng” cho đối tác nước ngoài là để DAB thu về ngoại tệ. Còn về phía Tân Vạn Hưng, sẽ nhận được tiền gia công chế tác vàng từ DAB.

Về nguyên nhân không được đối tác nước ngoài thanh toán đầy đủ số tiền “bán vàng”, các bị can lý giải rằng: Việc xuất khẩu vàng cho công ty ở Mỹ được thực hiên thông qua việc mở tờ khai xuất khẩu vàng của Tân Vạn Hưng. Sau đó sử dụng tài khoản đứng tên Tân Vạn Hưng được mở ở Mỹ để giao dịch, kinh doanh vàng tài khoản, sử dụng tiền xuất khẩu vàng đứng tên Tân Vạn Hưng để ký quỹ, cắt lỗ kinh doanh tài khoản với đối tác. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc các lô hàng đã xuất khẩu đầy đủ cho đối tác, nhưng đến nay vẫn chưa được đối tác thanh toán đủ số tiền như giao dịch.

Trong khi đó, bị can Nguyễn Thị Kim Loan – Người có vai trò chính trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu vàng, kinh doanh vàng tài khoản của DAB, là người trực tiếp liên hệ giao dịch với Tân Vạn Hưng để dùng pháp nhân công ty này xuất khẩu vàng cho DAB dưới dạng trang sức, sử dụng tiền xuất khẩu vàng để kinh doanh, trừ nợ việc kinh doanh vàng tài khoản bị thua lỗ với đối tác, đã thừa nhận chữ ký của mình trên các chứng từ xuất vàng. Nhưng lại khai rằng không nhớ, không biết, không liên quan gì đến việc xuất khẩu vàng và việc đối tác – công ty INTL của Mỹ, không thanh toán đủ số tiền như thỏa thuận giao dịch?

Rõ ràng là vấn đề này cần phải được làm sáng tỏ hơn. Bởi bản thân Kim Loan, với vai trò Trưởng phòng Kinh doanh DAB chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng, hơn ai hết, Loan phải biết rõ việc xuất khẩu vàng miếng cho đối tác nước ngoài cần có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cấp. Biết rõ quy định là vậy, nhưng vẫn “cố tình” vượt rào. Vàng miếng của DAB đã bị "bộ tam quyền lực" xuất khỏi kho, rồi đem chế tác thành trang sức để “bán” cho đối tác nước ngoài. Sai phạm đã rõ, tuy nhiên, điều mà dư luận đang đặt ra câu hỏi ở đây là tại sao đối tác nước ngoài, mà cụ thể là công ty INTL của Mỹ lại không thanh toán đầy đủ cho Tân Vạn Hưng?  Có vẻ như lý giải mà các bị can đưa ra chưa đủ thuyết phục.

Có nhiều giả thiết được đưa ra lúc này. Một là, INTL đã thanh toán đầy đủ số tiền theo giao dịch mua bán với Tân Vạn Hưng. Vậy số tiền này đã đi đâu, vào túi ai? Hai là, INTL trên thực tế không mua toàn bộ số vàng của DAB mà Tân Vạn Hưng là người “bán hộ”. Vậy số vàng đó hiện giờ ở đâu, ai quản lý? …./

 

Vi Phong

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ