(Tổ Quốc) - Bình Dương ban hành kế hoạch phát triển tuyến du lịch đường sông đến năm 2030, tạm dừng hoạt động các di tích, khu du lịch để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tiềm năng phát triển du lịch Bình Dương là tin tức du lịch tại tỉnh Bình Dương vừa qua.
- 04.02.2020 Bình Dương: Số lượng khách đến các khu, điểm du lịch dịp tết giảm
- 19.01.2020 Nhà hàng của Việt Nam được CNN bình chọn tốt nhất châu Á – Thái Bình Dương, du khách nên thử trong năm 2020
- 17.12.2019 Bình Dương tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách
- 09.07.2019 Lần đầu tiên du lịch Bình Dương “Bắc tiến”
- 17.06.2019 Có gì trong "Sổ tay du lịch Bình Dương - Tinh hoa làng nghề"
Bình Dương ban hành kế hoạch phát triển tuyến du lịch đường sông đến năm 2030
UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành "Kế hoạch phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng các bến hành khách phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông, như: Bến Thọ An, bến Hưng Định, bến Đình Phú Long, bến Bình Nhâm, bến Rạch Sơn (TP. Thuận An); bến chợ Phú Cường, bến Yến Bay, bến Đại Nam, bến Chánh Mỹ, bến Cảng Bà Lụa (TP.Thủ Dầu Một); bến Rạch Bắp, bến Đại học Thủ Dầu Một (TX.Bến Cát); bến Thanh Tuyền, bến Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng); bến Bạch Đằng và Thạnh Hội (TX.Tân Uyên). Cùng với việc đầu tư các bến hành khách, chủ trương của tỉnh còn kết hợp xây dựng các nhà chờ, bến đỗ xe, phương tiện trung chuyển hành khách tham quan.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, ngành du lịch Bình Dương sẽ tăng cường phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Kế hoạch như: Phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch; bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ lao động phục vụ trong ngành du lịch; Phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của các tỉnh/thành để hình thành tuyến du lịch đường sông; Bảo vệ môi trường sinh thái ven sông xanh - sạch - đẹp theo hướng phát triển bền vững,..
Tạm dừng hoạt động các di tích, khu du lịch để phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Dương đã yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo tạm dừng hoạt động tại các khu, điểm du lịch, các đơn vị lữ hành, các điểm di tích lịch sử, văn hóa và bảo tàng trên địa bàn đến hết tháng 3-2020.
Cùng với chỉ đạo tạm dừng hoạt động theo quy định, sở cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tuyên truyền, giải thích, động viên, yêu cầu chủ các khu, điểm du lịch, các đơn vị lữ hành tại địa phương chấp hành nghiêm việc tạm dừng hoạt động. Việc tạm dừng hoạt động này nhằm cùng chung tay với các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Tiềm năng phát triển du lịch Bình Dương
Bình Dương còn được biết đến là vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hóa truyền thống. Những di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắn g cảnh đã được xếp hạng, công nhận trong thời gian qua, cùng với đó là những làng nghề truyền thống, những lễ hội dân gian, những khu, điểm du lịch mới được đầu tư, phát triển sau này... là những tiềm năng du lịch mà Bình Dương đang sẵn có. Tất cả đã tạo nên một hình ảnh mang dấu ấn riêng của Bình Dương và đang hứa hẹn một sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển du lịch trong tương lai...
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 60 di tích lịch sử, văn hóa đã được công nhận, xếp hạng; trong đó có 13 di tích cấp quốc gia và 47 di tích cấp tỉnh. Đây là một trong những tiềm năng du lịch đã và đang được quan tâm khai thác, phát huy giá trị.
Nhiều điểm du lịch phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng cũng được các nhà đầu tư quan tâm xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phải kể đến KDL Đại Nam, KDL Thủy Châu, Phương Nam Resort; KDL Xanh Dìn Ký, An Lâm Sài Gòn River, Sài Gòn Park Resort, Khu giải trí Đọt Chămpa, Làng tre Phú An… Những khu, điểm du lịch này ra đời không chỉ phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng của người dân địa phương, mà còn thu hút đông đảo du khách gần xa đến với Bình Dương hàng năm.
Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, mảnh đất và con người Bình Dương đã, đang và sẽ tiếp tục tạo dựng hình ảnh tốt đẹp, để ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người. Những tiềm năng du lịch của tỉnh nhà là một phần cốt lõi để tạo nên giá trị của tỉnh Bình Dương.
Với chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch Bình Dương đã và sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin quảng bá, tuyên truyền, xúc tiến du lịch trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng nhằm quảng bá rộng rãi và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến với Bình Dương.