(Tổ Quốc) - Trải qua thời gian, bình phong Huế trở thành một nét đẹp kiến trúc và lối sống của người dân nơi đây.
- 08.05.2017 Cố đô Huế rộn ràng mùa Phật đản
- 09.05.2017 Hàng nghìn người đội mưa rước Phật ở Huế
Từ lâu trong kiến trúc nhà xưa của Huế, những bức bình phong luôn mang trong mình nhiều ý nghĩa độc đáo về mặt phong thủy và nghệ thuật. Trải qua thời gian, bình phong Huế trở thành một nét đẹp kiến trúc và lối sống của người dân nơi đây.
Bình phong trong kiến trúc Huế xưa
Ở Việt Nam, có lẽ không nơi nào vẫn còn giữ được nhiều kiểu bình phong như ở Huế. Đến Huế, mọi người có thể dễ dàng bắt gặp muôn hình vạn trạng hình ảnh của những bức bình phong từ các cung đình, phủ đệ, đình làng, miếu mạo,… cho đến những ngôi nhà vườn xưa của người dân.
Tuy chỉ là một yếu tố nhỏ trong tổng thể kiến trúc nhà xưa, nhưng bình phong được sử dụng nhiều trong các công trình kiến trúc khác nhau đã cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của nó đối với đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Bức bình phong cổ tại đình làng Kim Long (phường Kim Long, TP Huế) – Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia. |
Bình phong là hiện thân của lối kiến trúc mang đậm tính dân gian. Theo quan niệm tâm linh, phong thủy và trong đời sống văn hóa Huế, những bức bình phong tạo thành các yếu tố “triều”, “án” có chức năng gia tăng tính bền vững của đất cuộc, ngăn chặn các uế khí, độc khí, hỏa khí xâm nhập nội thất, làm hại gia chủ, khiến cho căn nhà trở nên ấm cúng, an toàn hơn. Cũng vì lý do này mà trong tổng thể kiến trúc, các bức bình phong được xây dựng ngay trước mặt tiền của nhà, nằm ngay sau cửa ngõ.
Xét về cấu tạo, thông thường mỗi bức bình phong gồm có ba phần khác nhau. Phần đế thường được xây cao bằng bể cạn đặt phía trước, nếu không có bể cạn thì có thể xây thấp hơn. Phần nhiều đều được xây thành khối chữ nhật đơn giản hoặc thêm hình vân mây sóng nước.
Phần thân thường được xây dựng đối xứng, trên đó thường ghi câu đối với các biểu tượng theo mô típ tứ quý, bát quả,.. ở giữa ghi chữ Thọ, chữ Phước hoặc hình tứ linh (Long, lân,quy, phụng). Phần đỉnh có thể có hoặc không, nhưng nếu có thường có họa tiết “song Long chầu nhật”.
Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, bình phong không dùng để cầu lộc, tiền tài mà chỉ cầu sự may mắn, trường tồn. Đây là lý do tại sao từ trước nay không hề thấy chữ Lộc được dùng trang trí trên các bình phong.
Bức bình phong của nhà thờ họ Mai Văn (đường Nguyễn Phúc Nguyên, TP Huế) được làm tinh xảo từ kỹ thuật khảm sành sứ dưới đôi tay các nghệ nhân xứ Huế. |
Dù giàu hay nghèo, trong khuôn viên nhà của Huế xưa thường có cho mình một bức bình phong án ngữ ngay mặt tiền ngôi nhà. Tùy theo nhu cầu, điều kiện, những bức bình phong cũng được làm từ những chất liệu khác nhau như gỗ, gạch, mây, đá, cây cảnh, tre, trúc.. nhưng phổ biến nhất vẫn là những bức bình phong xây bằng gạch đá được trang trí, chạm trổ công phu bằng cách ghép sành sứ.
Những mảnh gốm sứ, mảnh chai được cắt tỉa theo hình dáng và màu sắc khác nhau sau đó được các nghệ nhân gắn lại bằng những chất kết dính như vôi hàu, mật mía tạo nên những hình tượng cầu kỳ, đẹp mắt. Đây là một trong những kỹ thuật xây dựng độc đáo thể hiện bàn tay tài hoa của những nghệ nhân khảm sành xứ Huế.
Hiện nay ở Huế, những bức bình phong được làm theo cách này còn khá nhiều tại Kim Long hay lăng Tự Đức. Đó đều là những bức bình phong khảm sành sứ được đánh giá đẹp nhất nước. Không chỉ có ý nghĩa về mặt phong thủy, về sau bình phong còn kiêm thêm chức năng trang trí mỹ thuật trong kiến trúc nhà cổ truyền thống.
Một bức bình phong hàng trăm năm tuổi tại phủ thờ Khoái Châu Quận Công. |
Cần bảo tồn một nét kiến trúc độc đáo
Bình phong là một nét kiến trúc đặc trưng, thể hiện nét văn hóa riêng độc đáo của người dân Cố đô Huế. Nói về bình phong cổ xứ Huế, không thể không kể đến “Bình phong long mã”, một trong những kiểu bình phong được sử dụng phổ biến nhất.
Trong nhận thức của mình, người Huế xưa nay thường hiểu “long mã” (ngựa hóa rồng) là hóa thân của kỳ lân, một trong bốn tứ linh. Đây là con vật mình ngựa, đầu rồng, lưng mang bát quái tiên, là con vật không có thật mà là sản phẩm trí tưởng tượng của con người. Long mã cũng được xem là linh vật của Phật giáo khi cõng trên lưng Luật Tạng, một trong ba bộ phận của Tam tạng kinh.
Trải qua thời gian, hình ảnh của Long mã có nhiều biến đổi về cách thể hiện nhưng đều mang ý nghĩa là linh vật báo hiệu điềm tốt lành, là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ. Sự nguy nga đường bệ, hạnh phúc vô song.
Chính vì vậy hình tượng Long mã được sử dụng nhiều ở đình chùa, miếu mạo của Huế. Được thể hiện trên các bức hoành phi, các bức bình phong vừa để trang trí vừa có ý nghĩa phong thủy trừ tà, khử trược.
Hình tượng Long mã (ngựa hóa rồng) được sử dụng nhiều trong kiến trúc bình phong ở Huế. |
Bức “Bình phong long mã” nổi tiếng có thể dễ dàng bắt gặp khi đến Huế có lẽ là bức bình phong trước Trường Quốc Học Huế với hình tượng Long mã màu xanh trong tư thế tung vó cưỡi mây vẫn ngoái đầu nhìn lại.
Được xây dựng từ thời vua Thành Thái (1896), nằm tọa lạc ở địa thế đẹp, hướng mình ra sông Hương, Phu Văn Lâu, Đại nội,.. bức bình phong mang ý nghĩa đem lại sự thịnh vượng cho ngôi trường giàu lịch sử vốn là cái nôi đào tạo ra những nhân tài kiệt xuất như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Bức bình phong trước Trường Quốc Học Huế được xây dựng từ thời vua Thành Thái (1896) là một trong những bức “Bình phong long mã” nổi tiếng. |
Hiện nay ở Cố đô Huế vẫn còn rất nhiều bức bình phong cổ có nhiều giá trị về mặt kiến trúc và văn hóa. Tuy nhiên cũng có thể nhận thấy một thực tế đáng lo ngại là dưới sự ảnh hưởng của đô thị hóa cùng sự mất dần đi nhà vườn truyền thống, số lượng các bình phong cũng giảm dần thấy rõ.
Bên cạnh đó, việc cải tạo hay xây mới nhưng không nắm rõ, hài hòa với tổng thể kiến trúc ngôi nhà cũng làm giảm đi ít nhiều giá trị và ý nghĩa của những bức bình phong.
Để gìn giữ nét kiến trúc dân gian độc đáo này, việc nghiên cứu và tìm cách bảo tồn là việc làm cần thiết và đáng được lưu tâm. Bảo tồn kiến trúc bình phong Huế không chỉ là bảo tồn, gìn giữ một nét kiến trúc Huế xưa mà còn phát huy một nét đẹp trong lối sống và tâm thức của người dân xứ Huế.
Thế Trung - Đức Hoàng