(Tổ Quốc) - Đối với người dân Cố đô Huế, Đại lễ Phật đản không đơn thuần mang sắc màu của văn hóa, tâm linh. Đó còn là ngày lễ Phật giáo được đông đảo quần chúng nhân dân cùng tăng ni, phật tử mong đợi.
Mùa Phật đản – mùa lễ hội
Phật đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hàng năm bởi cả hai truyền thống Nam tông hay Bắc tông để mừng sự ra đời của Đức Phật. Những năm gần đây, ngày Phật đản được xem là một ngày lễ hội quan trọng không chỉ riêng của Phật tử mà còn là ngày lễ của nhiều người dân trên mọi miền đất nước.
Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, đạo Phật là một tôn giáo được đông đảo người dân mến mộ. Hiện nay ở Huế có khoảng 80% dân chúng là tín đồ nên cứ đến dịp lễ Phật Đản hàng năm, hầu hết các chùa chiền đến nhiều gia đình đều rất quan tâm, chuẩn bị.
Từ các chùa, những nơi công cộng, các tuyến đường lớn cho đến các gia đình Phật tử,.. cờ Tổ Quốc cùng cờ Phật giáo và các đèn lồng được trang hoàng lộng lẫy. |
Những ngày này, dạo một vòng quanh TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), phố phường dường như đẹp hơn. Từ các chùa, những nơi công cộng, các tuyến đường lớn cho đến các gia đình Phật tử,.. cờ Tổ Quốc cùng cờ Phật giáo và các đèn lồng được trang hoàng lộng lẫy. Tuy chưa diễn ra lễ chính thức Đại lễ Phật đản 2017 (Phật lịch 2561), nhưng có thể dễ dàng nhận ra không khí tưng bừng đón chào Đại lễ Phật Đản đã lan tỏa khắp Cố đô.
Vào những ngày này,ngoài bàn thờ Phật, hương hoa được trưng bày một cách đẹp mắt, nhà cửa của từng gia đình phật tử cũng được trang hoàng, treo đèn, kết hoa. Bà Nguyễn Thị Loan, ở phường Phú Hội, TP Huế cho biết:
“Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ Phật đản tôi lại mang cờ Tổ Quốc, cờ Phật giáo, lồng đèn ra trang trí trong khuôn viên nhà mình. Không chỉ có gia đình tôi, nhiều gia đình khác cứ đến dịp này đều hòa chung không khí như vậy. Lễ Phật đản dường như đã là một ngày lễ quan trọng của nhiều gia đình ở Huế vào dịp tháng tư âm lịch hàng năm”.
Cầu Trường Tiền trong dịp lễ Phật đản cũng trở nên đẹp mắt khi được trang trí bằng những đóa hoa sen. |
Nhiều hoạt động đặc sắc được diễn ra
Được biết, không chỉ ở TP. Huế mà nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang gấp rút chuẩn bị những khâu cuối cùng cho ngày lễ Phật đản, ngày lễ Phật giáo lớn nhất trong năm ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đều được tiến hành khẩn trương nhằm sẵn sàng cho lễ chính thức được tổ chức vào ngày 9/5 (tức rằm tháng tư âm lịch).
Anh Nguyễn Văn Hải, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Dù biết Huế là cái nôi của Phật giáo nhưng được đến Huế trong những ngày này tôi mới biết ở đây ngày lễ Phật đản được người dân xem trọng như thế nào. Từ chùa chiền đến đường phố, ở đâu cũng thấy trang trí cờ hoa rất đẹp mắt. Người dân Huế rất mến đạo và mến khách, điều này khiến tôi rất ấn tượng”.
7 đài hoa sen khổng lồ trên dòng sông Hương được các nghệ nhân đến từ Huế thiết kế chính là điểm nhấn của lễ Phật đản năm nay. |
Năm nay, nằm trong chương trình tuần lễ Phật đản 2017 (Phật lịch 2561) cũng diễn ra nhiều hoạt động thu hút sự quan tâm của người dân và các phật tử như: Lễ Khai kinh tại Tổ đình Từ Đàm; Triển lãm ảnh với chủ đề “Hương Thiền” tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán; Diễu hành xe hoa trong TP. Huế và về các huyện; Trình diên văn nghệ cúng dường Phật; Lễ Mộc dục tại Lễ đài Diệu Đế - Lễ rước Phật cầu nguyện Quốc thái dân an và hòa bình trên thế giới,…
Trước đó, tối 3/5 (tức 8/4 âm lịch), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hạ thủy 7 tòa sen khổng lồ xuống dòng sông Hương để chào đón Phật đản Phật lịch 2561.
7 đài hoa sen khổng lồ trên dòng sông Hương được các nghệ nhân đến từ Huế thiết kế chính là điểm nhấn của lễ Phật đản. Năm nay khung sen được làm bằng sắt, cánh sen làm bằng vải lụa hồng đặt trên bệ phao nổi, đường kính 7,6m, cao 3,7m và nặng 300kg.
7 đài sen trên sông Hương. |
7 đài sen tượng trưng cho 7 bước đi thanh tịnh của Đức Phật, bên cạnh đó còn nói lên tiến trình tu tập của Đức Phật để được đạo quả, giải thoát đến niết bàn. Cả 7 tòa sen khổng lồ sẽ được thả và thắp sáng mỗi đêm trên dòng sông Hương cho đến khi kết thúc đại lễ Phật đản vào đêm 10/5 (tức 15/4 âm lịch).
Có thể nói, Đại lễ Phật đản đối với người dân Cố đô Huế không đơn thuần chỉ mang sắc màu của văn hóa, tâm linh. Đó còn là ngày lễ Phật giáo được đông đảo quần chúng nhân dân cùng tăng ni, phật tử mong đợi.
Ý nghĩa của ngày lễ này đã ăn sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của nhiều người dân xứ Huế. Con người Cố đô Huế bao nhiêu năm nay vẫn lưu giữ được những nét tính cách đức độ, nho nhã, lịch thiệp đáng quý có lẽ một phần nhờ vào những thuyết lý của đạo Phật đã thấm sâu vào trong tiềm thức suốt hàng nghìn năm qua.
Thế Trung - Đức Hoàng