(Tổ Quốc) - Dù không có bên nào nổ súng, nhưng đây là thiệt mạng lớn nhất về người từng xảy ra giữa 2 nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ từ năm 1967 tới nay.
Reuters dẫn các nguồn tin gia đình nạn nhân và chính phủ Ấn Độ cho biết, các binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lính Trung Quốc hồi tháng trước đều không có vũ khí trong tay và bị vây chặt trên một sườn núi dốc.
Cha của một người lính thiệt mạng cho biết con ông đã bị cứa cổ bằng đinh kim loại ngay trong đêm tối. Theo Reuters, người cha này đã được một nhân chứng sống khác kể lại vụ việc.
Một số lính Ấn Độ khác đã tử vong trong dòng nước lạnh giá ở sông Galwan tại miền tây Himalaya. Các nguồn tin cho biết, tổng cộng 20 lính Ấn Độ thuộc Trung đoàn 16 Bihar thiệt mạng trong cuộc đụng độ ở khu biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Dù không có bên nào nổ súng, nhưng đây là thiệt mạng lớn nhất về người từng xảy ra giữa 2 nước láng giềng - đều sở hữu vũ khí hạt nhân - từ năm 1967 tới nay.
Ảnh: STR/AFP
Reuters đã đối thoại với thân nhân của 13 người lính tử vong và tiếp cận được các giấy tờ chứng tử của 5 người lính. Theo đó, những binh sĩ này đã chịu những "vết thương khủng khiếp" trong suốt 6 giờ đụng độ trên độ cao 4.267m ở vùng núi hẻo lánh, lạnh lẽo.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn liên tục lên tiếp đổ lỗi cho phía Ấn Độ vì đã bước qua khu ranh giới và kích động binh sĩ Trung Quốc.
"Khi các sĩ quan và lính Trung Quốc tới để đàm phán, họ bị tấn công bất ngờ và đầy bạo lực bởi binh sĩ Ấn Độ. Sự đúng sai trong vụ việc này là rất rõ ràng. Trách nhiệm chắc chắn không thuộc về phía Trung Quốc," phát ngôn viên này nói.
"Đứt động mạch"
Ba người lính thiệt mạng vì "bị đứt động mạch cổ" và hai người khác có những vết thương trên đầu do "những vật nhọn và sắc" gây ra. Tất cả 5 trường hợp này đều có những vết thương rõ ràng trên cổ và trán.
"Lính Ấn Độ đúng nghĩa có gì dùng nấy, họ phải đánh trả bằng mọi thứ mà họ có thể kiếm được, kể cả là gậy, thanh gỗ ngắn hay thậm chí là tay không," quan chức chính phủ nói trong thông báo về cuộc đụng độ.
Chính phủ Ấn Độ nói quân đội Trung Quốc (PLA) đã tấn công có chủ đích trong khi Trung Quốc phủ nhận thông tin rằng 40 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc xô xát ở Galwan.
Theo chính phủ Ấn Độ, vụ đụng độ xảy ra khi chỉ huy của trung đoàn Bihar dẫn một đoàn lính tới điểm tuần tra số 14 để xác nhận liệu quân đội Trung Quốc có thực hiện đúng như lời hứa về việc rút khỏi khu vực tranh chấp và phá các công trình đã dựng lên ở vùng này hay không.
Tuy nhiên, lính Ấn Độ đã bị phía Trung Quốc tấn công tới tấp bằng chày sắt, gậy gỗ có quấn đinh và dây thép gai.
Một số binh sĩ Ấn Độ đã tìm cách rút lui tới khu vực an toàn trong bóng tối, nhưng khi không tìm được chỉ huy, họ xuất hiện trở lại và tiếp tục bị phía Trung Quốc truy lùng - gia đình các nạn nhân kể lại.
Một nhân chứng sống kể: "Phía Trung Quốc áp đảo lính Ấn Độ về số lượng. Khi đụng độ, lính hai phía đã đẩy nhau xuống dòng sông Galwan phía dưới".
Nhiều người đã tử vong do hạ thân nhiệt - phía New Delhi cho hay.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây đã tới khu vực biên giới để tiếp nhận thông tin về tính sẵn sàng của quân đội Ấn Độ trước những động thái của quân đội Trung Quốc (PLA).
Ông Modi khẳng định Ấn Độ có đủ khả năng để "xử lí" Trung Quốc - quốc gia đã gây ra vấn đề an ninh và y tế đối với Ấn Độ và cả thế giới. Thủ tướng Ấn Độ đã gửi lời chào tới các binh sĩ Ấn Độ ở Ladakh và những người đang bảo vệ vùng biên giới.
Ông Modi nhắc tới những binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân Trung Quốc ở thung lũng Galwan ngày 15/6 vừa qua.
"Sự dũng cảm mà những người lính này thể hiện đã chứng tỏ sức mạnh của Ấn Độ với thế giới. Ấn Độ được hòa bình nhờ vào sự dũng cảm và hi sinh của họ," ông nói.
Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh nước này luôn theo đuổi hòa bình nhưng cùng lúc đó, những "nước yếu" sẽ không thể nào bắt đầu tiến trình hòa bình. Do đó, sự dũng cảm và tinh thần kiên cường là yếu tố then chốt cho hòa bình. "Kẻ thù của Ấn Độ đã nếm lửa và thịnh nộ," ông Modi nói và không đề cập tên cụ thể.