• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ Công an đề xuất quản lý nhân khẩu bằng mã số định danh cá nhân thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy

Thời sự 23/02/2020 14:29

(Tổ Quốc) - Bộ Công an đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo lần 2 sửa đổi Luật Cư trú, trong đó đề xuất bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú trên sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, thay thế bằng hình thức quản lý qua mã số định danh cá nhân và cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú (sổ hộ khẩu điện tử).

Sổ hộ khẩu hiện nay có giá trị xác định nơi thường trú (theo khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú số 81/2006/QH11). Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa 24 tháng (khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú 2006 sửa đổi 2013).

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn mang tính thủ công, rườm rà.

Tại dự thảo Luật Cư trú năm 2020, Bộ Công an đề xuất theo hướng của Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017, dự thảo bỏ toàn bộ hoặc một phần thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu giấy.

Cụ thể, theo khoản 4 Điều 23 dự thảo Luật, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa điểm thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú.

Bộ Công an đề xuất quản lý nhân khẩu bằng mã số định danh cá nhân thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy - Ảnh 1.

Sổ hộ khẩu giấy

Theo Tờ trình Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) Bộ Công an trình Chính phủ, Bộ Công an cho biết, sổ hộ khẩu điện tử là cách thức quản lý thường trú của công dân trên mạng điện tử thông qua hệ thống phần mềm và được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú, bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay…

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương 41 điều, quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Từ Chương II đến Chương VI của dự thảo Luật đã quy định rõ về Quyền, trách nhiệm của công dân về cư trú; nơi cư trú; đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng; trách nhiệm quản lý cư trú. Trong đó, dự thảo Luật bổ sung, lược bỏ một số quyền để phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản pháp luật có liên quan và hình thức quản lý cư trú mới. Công dân được lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; được tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân và cấp giấy tờ xác nhận về cư trú theo yêu cầu chính đáng của mình; được yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình…

Theo đánh giá, việc số hóa sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, CMND… sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tiết kiệm chi phí quản lý, tránh thủ tục hành chính rườm rà khi phải đến tận trụ sở công quyền để làm việc và bảo đảm người dân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú, mà không phụ thuộc vào hộ khẩu…

Bộ Công an bắt đầu lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo lần 2 Luật Cư trú (sửa đổi) từ 19/2 đến 19/4/2020./.

Hồng Hà (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ