(Tổ Quốc) - Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết sẽ xử lý nghiêm đối với các hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác, vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội, nhất là các hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, an ninh đầu tư.
Xử lý nghiêm đối với các hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác
Chiều 8/1, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về các vụ bịa đặt trên mạng xã hội về lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đánh bạc, chuyển tiền ra nước ngoài hàng chục triệu USD.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, việc đưa tin thất thiệt, có tính chất vu khống, bịa đặt là hiện tượng rất đáng lo ngại, là dấu hiệu xuống cấp của đạo đức xã hội. Những hành vi nêu trên, tùy mức độ có thể xử phạt hành chính đến xử lý hình sự.
Người phát ngôn Bộ Công an lấy ví dụ năm qua bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam - đã bị Công an TPHCM xử phạt về hành vi thông tin sai sự thật.
Về vụ thông tin thất thiệt liên quan ngân hàng ACB, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, đến nay các cơ quan chức năng chưa nhận được đơn thư của các bên có liên quan. Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định khi nào có đơn thư, cơ quan công an sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm đối với các hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác, vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội, nhất là các hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, an ninh đầu tư.
Đồng thời, bày tỏ mong muốn các cơ quan truyền thông phối hợp đưa tin tuyên truyền, đẩy lùi những thông tin xấu độc.
Trước đó, một số cá nhân đã sử dụng mạng xã hội livestream đưa thông tin về "lãnh đạo ACB đánh bạc, chuyển tiền ra nước ngoài". Sau đó, tối 4/1, ACB phát hành thông cáo chính thức bác bỏ những thông tin sai lệch đang lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến lãnh đạo cấp cao.
Nâng cao chất lượng các dịch vụ trên VNeID
Cũng tại buổi họp báo, thông tin về việc tích hợp các dịch vụ trên ứng dụng VNeID để hỗ trợ người dân, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công an đã nỗ lực xây dựng, duy trì được một cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư "đúng, đủ, sạch, sống".
Theo đó, tất cả công dân Việt Nam đều có dữ liệu trong cơ sở dữ liệu này theo quy định của Luật Cư trú và Luật Căn cước. Trên cơ sở một nền dữ liệu rất tốt về công dân, Chính phủ đã ban hành Đề án 06, phát huy cơ sở dữ liệu này trong việc phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số, Bộ Công an đã xây dựng, đưa ra ứng dụng VNeID.
"Bản chất VNeID là hồ sơ điện tử cá nhân của mỗi người. Với hồ sơ điện tử cá nhân này, Bộ Công an đã chỉ đạo và xây dựng 33 nội dung tích hợp vào như: Căn cước công dân, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế...", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết.
Ví dụ về cấp phép lý lịch tư pháp trên VNeID, thay vì người dân phải đến các Sở Tư pháp nay có thể dùng VNeID hoặc đăng ký ô tô toàn trình, đăng ký lần đầu cũng được sử dụng trên VNeID. Ngoài ra, đối với những lĩnh vực khác liên quan đến cư trú, đăng ký cư trú, thay đổi cư trú… người dân hoàn toàn có thể làm trên VNeID.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, đây là công cụ, phương tiện để người dân thực hiện đúng công dân số. Thông qua VNeID sẽ khai thác được hồ sơ của các cá nhân tham gia các hoạt động xã hội. Việc này cần có sự đồng hành lớn của các bộ, ngành khác, bắt đầu từ cơ sở hạ tầng, quy định pháp lý, quy trình và nhiều yếu tố khác, đảm bảo các dịch vụ trên VNeID được sử dụng hiệu quả, thuận tiện cho người dân.