(Tổ Quốc) - Sáng 12/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực y tế và nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.
Tin giả, tin sai gây nhiễu loạn và bức xúc
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, trong những năm qua, sự phát triển của mạng xã hội bùng nổ, kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn gây hệ lụy bức xúc trong xã hội. Việc này cũng cạnh tranh với báo chí chính thống về thông tin và doanh thu.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đặt câu hỏi với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước thì Bộ trưởng có phương án nào để quản lý mạng xã hội?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề không chỉ của Việt Nam mà mang tính toàn cầu, đã được bàn và nói rất nhiều.
Đề cập đến các giải pháp mới, bộ trưởng cho hay, cần hoàn thiện thể chế. Trước đây mới quy định xử lý cá nhân dùng mạng xã hội đưa tin sai sự thật, tin giả. Nghị định được ban hành gần đây đã đưa xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp.
"Trước đây nghĩ nhiều đến trách nhiệm của quản lý Nhà nước, nhưng thực ra trách nhiệm lớn là của các nền tảng xã hội. Họ có không gian riêng, thuê bao riêng lên đến hàng triệu, trăm triệu, cả tỉ người dùng, thì họ có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, không gian số là một không gian mới, nên cần tăng cường kỹ năng số để người dân, nhất là thế hệ tương lai có khả năng đề kháng trong không gian số.
Khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai, xấu độc thì có chỗ để phản ánh, giúp đỡ. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã thành lập, đưa vào vận hành Trung tâm Xử lý Tin giả Quốc gia. Gần đây, các địa phương cũng bắt đầu hình thành các trung tâm này ở cấp địa phương.
Nhà mạng bù 200.000 máy 4G cho bà con khi tắt sóng 2G
Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao những biện pháp mà các cơ quan chức năng cùng nhà mạng thực hiện để không người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau khi tắt sóng 2G.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều khu vực còn chưa tiếp cận được sóng 4G.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm về kế hoạch ngắn hạn và chiến lược dài hạn cho vấn đề này, đặc biệt là giải pháp toàn diện để ứng phó với tình huống khẩn cấp khi hạ tầng viễn thông bị phá hủy nặng nề, điển hình như sau cơn bão số 3 vừa qua.
Đại biểu nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, hiện tượng cực đoan về thời tiết có thể thường xuyên xảy ra.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, khi tắt sóng 2G, vấn đề đặt ra là bà con đang dùng máy 2G thì ai sẽ đưa cho bà con máy 4G?
Theo bộ trưởng, hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng phải bù, nhà mạng phải cầm máy công nghệ mới đưa cho bà con.
Bộ trưởng thông tin, ở các nước, khi nào công nghệ cũ 2G còn dưới 2% dân số dùng thì quốc gia quyết định dừng công nghệ đó và các nhà mạng phải hỗ trợ 2% người dân còn lại này.
"Do chúng ta công bố sớm, làm truyền thông tốt, nên đến lúc dừng mạng 2G (ngày 15.10) thì chỉ còn 0,2% người dùng 2G, tương đương khoảng trên 200.000 máy 2G. Các nhà mạng rất nhẹ nhàng khi bù máy cho bà con" - bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng khẳng định, công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương với công nghệ 2G; đồng thời có chính sách khu vực nào sóng bị "lõm" thì còn "bù" thêm.
Về vấn đề kiên cố hóa hạ tầng thông tin và truyền thông, bộ trưởng cho biết, trước đây, do miền Trung xảy ra nhiều bão lũ nên Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo kiên cố hóa ở miền Trung.
Hiện nay, do đã có kinh nghiệm nên sẽ triển khai kiên cố hóa rất nhanh hạ tầng ở miền Bắc để đề phòng các tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra…