• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Hướng đến mỗi địa phương sẽ có một trung tâm xử lý tin giả

Thời sự 08/11/2023 11:19

(Tổ Quốc) - Sáng nay (8/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Hướng đến mỗi địa phương sẽ có một trung tâm xử lý tin giả - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn các đại biểu

Cần thay đổi cơ cấu nguồn thu của cơ quan báo chí

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ công tác truyền thông chính sách. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế đặt hàng đang gặp khó khăn do định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là với phát thanh, truyền hình theo Thông tư 03 và Thông tư 09 của Bộ Thông tin Truyền thông đang gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan báo chí.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông phải giải quyết vấn đề này trong quý 3/2023 thể hiện trong văn bản số 274 của Văn phòng Chính phủ nhưng đến nay việc này vẫn chưa thực hiện được.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Hướng đến mỗi địa phương sẽ có một trung tâm xử lý tin giả - Ảnh 2.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đặt câu hỏi chất vấn

Với lý lẽ trên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi tới Bộ trưởng khi nào thì hoàn thành sửa toàn diện các quy định điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với các cơ quan báo chí theo chỉ đạo của Thủ tướng và về lâu dài thì cần những chính sách đột phá gì để các cơ quan báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách vừa đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân. Câu hỏi này cũng được đại biểu gửi đến Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội liên quan đến hoạt động của các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây báo chí nguồn thu 100% dựa trên quảng cáo, nên chưa quan tâm nhiều đến vấn đề đặt hàng…

“Tuy nhiên, khi truyền thông xã hội tham gia đã lấy đi 70% nguồn thu ấy của các cơ quan báo chí. Khi ấy, các cơ quan báo chí mới bắt tay vào công tác đặt hàng lại gặp những vướng mắc khó khăn, có liên quan đến các Thông tư mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành trước đây liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật”- Bộ trường Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận ra được vấn đề này và xin nhận trách nhiệm. Thời gian qua, Bộ đã chủ động làm việc với các cơ quan báo chí, các cơ quan của Bộ để tìm ra hướng giải quyết.

Về giải pháp trước mắt, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ sửa các Thông tư này theo hướng ban hành hướng dẫn các cơ quan báo chí chủ động xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi các nội dung liên quan đến Nghị định 60 để đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần phải thay đổi cơ cấu nguồn thu của cơ quan báo chí. Trong đó tăng cường đặt hàng, phát triển sản phẩm báo chí chất lượng cao có thu phí.

Hướng đến mỗi địa phương sẽ có một trung tâm xử lý tin giả

Tranh luận về xã hội ảo, nền tảng số, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc tháo gỡ các quảng cáo trên nền tảng số, thông tin sai sự thật, tin nhắn rác và các giải pháp thực hiện nghị quyết của Quốc hội tại các phiên chất vấn đã có nhiều chuyển biến tích cực và được đánh giá cao.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Hướng đến mỗi địa phương sẽ có một trung tâm xử lý tin giả - Ảnh 3.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu câu hỏi chất vấn

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng vẫn còn tình trạng tin nhắn rác, các quảng cáo sai sự thật vẫn còn diễn ra khá phổ biến trên nền tảng số. Đại biểu đặt vấn đề: cơ quan nào cấp phép thì có quyền truy cập và gỡ bỏ các thông tin quảng cáo, thông tin sai sự thật trên nền tảng số. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông cần phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua, chủ động trong việc phối hợp với Bộ Công an xử lý các thông tin quảng cáo sai sự thật trên nền tảng số.

Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về mặt quản lý mạng xã hội xuyên biên giới chúng ta có bước tiến so với các nước khác.

Nếu như năm 2018, tỷ lệ các mạng xã hội xuyên biên giới thực thi luật pháp Việt Nam về tháo gỡ thông tin xấu độc chỉ đạt 10-20%, thì đến năm 2023 đã đạt đến 90-95%. Ví như năm 2018, tỉ lệ thông tin xấu độc về lãnh đạo chủ chốt của Đảng Nhà nước có những lúc đến 70%, nhưng bây giờ rất thấp, chỉ xung quanh 1%.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì hiện nay tình hình thông tin xấu độc liên quan đến người dân vẫn còn rất nhiều. Để cải thiện tình hình này, về mặt quy định pháp luật, chúng ta yêu cầu mạng xã hội phải tự rà quét, tháo gỡ, đây là giải pháp mới.

Bộ trưởng cho biết thêm, các mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam phải có cơ chế nhận phản ánh từ người dân, chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã thành lập Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để tự rà quét, tự tháo gỡ thông tin xấu độc, đi vào hoạt động được hơn 4 năm.

Và gần đây, Bộ cũng thành lập Trung tâm Xử lý tin giả, hướng đến mỗi địa phương sẽ có một trung tâm này.

"Cơ chế chúng ta đủ, tuy nhiên các bộ ngành địa phương cũng phải am hiểu kỹ năng số để chủ động xử lý. Khi người dân phát hiện các thông tin xấu độc về mình, nếu đề xuất lên mạng xã hội không được thì Bộ sẽ hỗ trợ" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay./.




Thế Công - Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ