(Tổ Quốc) - Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp Bộ quản lý phần lớn là các Tập đoàn, Tổng công ty có quy mô lớn, vốn lớn và tài sản lớn, địa bàn rộng. Các vấn đề liên quan đất đai và các dự án đầu tư dở dang khi xác định giá trị doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.
Bà Nguyễn Thị Hoa – Thường trực Ban Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác cổ phần hóa và thoái vốn, Bộ Công Thương luôn tích cực, chủ động và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn theo đúng quy định hiện hành.
Cụ thể, trên cơ sở Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và Danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ đang tập trung xây dựng, sắp xếp cổ phần hóa, kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa và trình phê duyệt theo thẩm quyền.
“Trên cơ sở kế hoạch, lộ trình xác định, chúng tôi đã đưa ra lộ trình, xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của từng doanh nghiệp, kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa. Bộ Công Thương đã thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt theo thẩm quyền
Đặc biệt, Bộ đã chuyển một số đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, tối đa hóa lợi nhuận, tạo sự minh bạch trong kinh doanh, thực hiện tốt hiệu quả sản xuất kinh doanh...
Dù vậy, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, cùng với những thành quả đạt được, thời gian qua, Bộ cũng đã gặp một số khó khăn vướng mắc.
Cụ thể, quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp do Bộ quản lý phần lớn là các Tập đoàn, Tổng công ty có quy mô lớn, vốn lớn và tài sản lớn, địa bàn rộng. Các vấn đề liên quan đất đai và các dự án đầu tư dở dang khi xác định giá trị doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tiến độ.
“Vì thế, thời gian xác định giá trị doanh nghiệp dài và cần có sự phối kết hợp các Bộ ngành, địa phương. Đây là một trong những khó khăn, vướng mắc của Bộ Công Thương trong công tác cổ phần hóa”, bà Nguyễn Thị Hoa nhấn mạnh.
Đối với đề án thoái vốn tại 4 Tập đoàn trực thuộc Bộ, theo bà Hoa, hiện tại Bộ đã trình 3 đề án lên Chính phủ, gồm Đề án của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Riêng đề án của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2017..
“Trong quá trình triển khai thực hiện tại các doanh nghiệp do Bộ Công Thương phụ trách, Bộ luôn chỉ đạo các doanh nghiệp tuân thủ theo đúng các văn bản chỉ đạo. Trên các nguyên tắc như vậy, việc thoái vốn Nhà nước luôn thực hiện theo đúng các quy trình rất chặt chẽ thông qua đấu giá công khai và đảm bảo thu hồi lợi ích cao nhất cho Nhà nước”, bà Hoa nhấn mạnh./.
Hà Giang