• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ Công Thương: “Chúng tôi không kéo dài mà đang tạo điều kiện cho Thaibev”

Kinh tế 30/03/2018 12:36

(Tổ Quốc) -Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, về việc Thaibev kiến nghị được sớm tham gia HĐQT của Sabeo, Bộ không kéo dài mà đang tạo điều kiện cho họ, bởi theo Luật Doanh nghiệp thì họ còn phải chờ đến ĐHCĐ thường niên (T6/2018).

Ngày 29/3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương xử lý kiến nghị của Công ty Thai Beverage Public (Thaibev) về việc công ty này tham gia Hội đồng quản trị và điều hành Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) (Nguồn: Vietnamnews.vn)

Để làm rõ sự việc này, Báo điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với ông Trương Thanh Hoài:

-Thưa ông, hồi tháng 12/2017, việc bán thành công 53% cổ phần của Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã dành được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, sau 4 tháng, cái tên Sabeco và Bộ Công Thương lại một lần nữa được nhắc đến, nhưng trong một tình huống hoàn toàn khác, đó là bị phía đối tác Thaibev kiến nghị. Ông có thể lý giải điều này?

Ông Trương Thanh Hoài: Theo quy định của Sabeco, trong số 7 thành viên HĐQT phải có 2 thành viên độc lập. Hiện phía Thaibev đề xuất 3 thành viên, trong đó có 1 thành viên chính thức, còn 2 thành viên độc lập thì Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang xem xét, cho ý kiến. Quy định đối với 2 thành viên độc lập là không được liên quan đến các bên có nắm giữ phần vốn trong Sabeco hoặc các công ty liên quan. Do vậy, 2 thành viên độc lập của Thaibev nếu đủ tiêu chuẩn thì Đại hội cổ đông bất thường của Sabeco sẽ bầu.

-Vậy tại sao lại xảy ra việc Thaibev kiến nghị và Văn phòng Chính phủ phải có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương xử lý kiến nghị của Thaibev?

Ông Trương Thanh Hoài: Chúng tôi không kéo dài mà đang tạo điều kiện cho họ vào sớm trên cơ sở đề xuất của Thaibev, chứ theo luật doanh nghiệp thì phải 6 tháng Thaibev mới được quyền tham gia vào HĐQT, tức là phải chờ đến ĐHCĐ thường niên (khoảng T6/2018).

Tuy nhiên, trong trường hợp này, do họ mua số cổ phần chi phối rất lớn và để đảm bảo sự ổn định, thống nhất liên tục trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh xáo trộn về tổ chức nên trên cơ sở đề nghị của phía đối tác thì Bộ cũng đã chủ động yêu cầu bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco tiến hành Đại hội Cổ đông bất thường sớm vào ngày 23/4 tới.

Như tôi vừa nói, theo luật doanh nghiệp, đối với các cổ đông sở hữu trên 10% với điều kiện là phải sở hữu 6 tháng liên tục thì mới được ứng cử vào HĐQT. Trường hợp Thaibev thì mới được 4 tháng nên họ chưa có quyền yêu cầu phía chúng ta. Tuy nhiên, nay chúng ta chủ động mời họ tham gia vào HĐQT trước quy định vì lợi ích chung của Sabeco. Thực ra Bộ Công Thương đã chuẩn bị việc này trước khi có chỉ đạo của Chính phủ nhưng mọi thứ đều cần có quy trình, chứ không phải chúng tôi chậm trễ.

-Ông có thể thông tin về thành viên trong HĐQT của Sabeco?

Ông Trương Thanh Hoài: Hiện HĐQT của Sabeco có 7 thành viên, trong đó có 3 thành viên thuộc bộ phận quản lý vốn nhà nước tại đại diện của Sabeco và 1 thành viên đại diện của Heniken (Keniken có 10% cổ phần tại Sabeco). Vậy nên theo quy định thì chỉ còn lại 3 thành viên.

Thaibev cũng đê xuất 3 thành viên, trong đó bắt buộc có 2 thành viên HĐQT độc lập và 1 thành viên chính thức. Bộ Công Thương cũng đang khuyến khích họ vào để cùng điều hành Sabeco cho hiệu quả, tránh xáo trộn về mặt tổ chức.

-Với việc nắm giữ 53%, phía Thaibev có quyền quyết định như thế nào thưa ông? Ông có chia sẻ gì trước lo lắng của dư luận rằng việc trao cho Thaibev 53% cổ phần sẽ đồng nghĩa với nguy cơ mất đi thương hiệu bia Việt?

Ông Trương Thanh Hoài: Chúng tôi thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và theo quy định của Sabeco. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang trao đổi với phía đối tác về biên bản thỏa thuận giữa các cổ đông lớn. Mục tiêu của biên bản thỏa thuận này là nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của Sabeco, bảo vệ quyền lợi của người lao động…

Còn về việc lo ngại mất đi thương hiệu, hiện chúng ta đang nắm giữ 36% nên chúng ta có quyền phủ quyết việc thay đổi thương hiệu, thay đổi điều lệ, định hướng sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp… theo Luật Doanh nghiệp. Chính phủ đang giữ 36% là vì như vậy.

Còn phía đối tác họ bỏ tiền ra là để họ mua thương hiệu chứ không phải mua hoạt động sản xuất bia vì suất đầu tư hiện rất thấp. Ví như nếu đầu tư sản xuất 2 tỷ lít bia thì chỉ mất 1 tỷ đô la…

Vì thế, một khi đã bỏ tiền ra để mua thương hiệu, mua hệ thống quản lý thì họ không dại gì đi phá thương hiệu. Nếu muốn xóa thương hiệu thì số tiền bỏ ra mua cổ phần họ dành để xây nhà máy bia mới cho xong.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang (Thực hiện)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ