(Tổ Quốc) - Ông Phạm Phú Quốc cho rằng, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa đã được các bộ, địa phương đẩy mạnh nhưng vẫn còn một số nơi chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai.
Nhân dịp năm mới, Báo điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với ông Phạm Phú Quốc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM về công tác cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) – một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Ông Phạm Phú Quốc: "Chúng ta đã bán cổ phần nhà nước tại Sabeco thành công" (Ảnh: Nam Nguyễn) |
-Tốc độ CPH DNNN năm 2017 còn chậm, chưa đạt số lượng đề ra trong kế hoạch CPH DNNN giai đoạn 2017 -2020. Ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?
Ông Phạm Phú Quốc: Tốc độ CPH DNNN năm 2017 chậm là so sánh với kỳ vọng và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các quyết định của Chính phủ...
Việc xử lý các tồn tại, xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp theo các quy định vẫn còn vướng mắc, chính sách quy định chưa bao quát hết, làm ảnh hưởng tiến độ triển khai. Một số đơn vị phải đề xuất các cơ chế đặc thù, thậm chí một số doanh nghiệp đã được cho phép áp dụng cơ chế đặc thù khi CPH nhưng chưa được quy định cụ thể.
Vì vậy, thực tế giai đoạn vừa qua, chúng ta vừa thực hiện CPH, vừa thoái vốn ngoài ngành và vừa điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nói chung và thúc đẩy cổ phần hóa hiệu quả, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nói riêng...
-Theo ông, đâu là lý do dẫn tới kết quả chưa như mong muốn nói trên?
Ông Phạm Phú Quốc: Về lý do khách quan, đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Ngoài ra, việc thoái vốn ngoài ngành, trọng tâm là thoái vốn trong các lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản còn chậm do phụ thuộc vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị và tiếp cận.
Về lý do chủ quan, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa đã được các Bộ, địa phương đẩy mạnh nhưng vẫn còn một số nơi chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai. Một phần nguyên nhân cũng do chưa tách bạch được rõ chức năng quản lý nhà nước với nhiệm vụ thực hiện quyền chủ sở hữu đối với các DNNN.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các doanh nghiệp về chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn tư tưởng e ngại trách nhiệm, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa, làm ảnh hưởng đến tiến độ của quá trình cổ phần hóa. Hơn nữa, tốc độ cổ phần hóa quá phụ thuộc vào người trực tiếp đại diện vốn tại doanh nghiệp, với nhiều lý do như muốn tiếp tục nắm quyền chi phối, không muốn thay đổi bộ máy quản lý, muốn kéo dài đợi đến hết nhiệm kỳ rồi chuyển đổi...
Nhiều doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại, chuyển đối sang công ty TNHH MTV chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng suất lao động, hiệu quả còn chưa cao... Hoặc còn nhiều DNNN cổ phần hóa thuộc đối tượng tham gia thị trường chứng khoán sau IPO đến nay chưa lên sàn tập trung. Điều này có ảnh hưởng không tốt đến niềm tin của nhà đầu tư khi đưa ra quyết định đầu tư cổ phiếu qua đấu giá do e ngại cổ phiếu sau đấu giá khó giao dịch.
-Cuối năm 2017, việc bán CP nhà nước tại Sabeco được đánh giá là đã mang lại thành công lớn. Theo ông, đây có phải là tiền đề cho những thương vụ CPH tiếp theo trong thời gian tới?
Ông Phạm Phú Quốc: Đúng là vừa qua, chúng ta đã bán CP nhà nước tại Sabeco thành công. Đó là về hiệu quả tài chính bán được với giá thị trường tại thời điểm bán...
Dù vậy, vấn đề còn lại như thương hiệu Việt, quốc tịch đầu tư để hướng đến việc tái đầu tư về lâu dài, vấn đề chuyển giao công nghệ quản lý, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nghĩa vụ ngân sách và tạo thêm công ăn việc làm, nguồn cung ứng vật tư nguyên liệu sản xuất có thúc đẩy được sản xuất trong nước phát triển, có hình thành được các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để tạo nên thành phần kinh tế động lực... là các vấn đề đáng quan tâm, thời gian nữa mới có câu trả lời.
Dù vậy, đây cũng là tiền đề cho những “thương vụ” CPH tiếp theo trong thời gian tới.
- Ông dự báo thế nào về tình hình CPH DNNN năm 2018 và những năm tiếp theo?
Ông Phạm Phú Quốc: Nghị định số 126/NĐ-CP về chuyển DNNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 và các quy định quản lý vốn sắp ban hành sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nói chung và chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần nói riêng trong thời gian tới, với mục tiêu ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, bám sát và đưa tinh thần Nghị quyết số 12 của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN vào cuộc sống, sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa DNNN trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, Ủy ban quản lý vốn chưa chính thức đi vào hoạt động, mô hình quản lý vốn tại các địa phương cần được làm rõ để thực hiện được nghị quyết Trung ương Đảng về tách bạch chức năng quản lý hành chính nhà nước về kinh tế với chức năng quản lý vốn tại doanh nghiệp, cũng như phù hợp với luật tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy cần nhiều thời gian để hoàn thiện mô hình cơ quan chuyên trách quản lý vốn để từ đó thực hiện nhanh việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, và nên lấy năm 2020 để sơ kết kết quả làm được
Cũng cần làm rõ nguồn thu từ CPH và thoái vốn tại các DNNN sẽ được sử dụng có mục tiêu cho đầu tư phát triển, nhưng phải bảo toàn và phát triển vốn, bù đắp hỗ trợ cho các địa phương đã ứng vốn đầu tư trước. Bên cạnh đó, cần có các chính sách để nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nhà nước được đãi ngộ và hưởng thu nhập theo cơ chế thị trường, có các chính sách minh bạch thông tin, đổi mới cơ bản về quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân được ủng hộ để tham gia quá trình cổ phần hóa...
Tôi cho rằng, các DNNN sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả sẽ có nhiều tác động đến việc hoàn thiện thị trường vốn, tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường tài chính hình thành và phát triển... Tổng thể tất cả các vấn đề liên quan khi được người dân ủng hộ thì sẽ thực hiện được kỳ vọng và tiến độ mà các cấp Trung ương đặt ra.
-Xin cảm ơn ông!
Trong năm 2017 có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 8 đơn vị thuộc kế hoạch năm 2017 và 2 đơn vị thuộc kế hoạch năm 2018. Đối với thoái vốn đầu tư vào các ngành không thuộc ngành sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN, năm 2017 các đơn vị đã thoái được 182 tỷ đồng, thu về 292 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm và thoái được 1.803 tỷ đồng, thu về 2.953 tỷ đồng tại các lĩnh vực khác ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm. Tại các DN thuộc SCIC quản lý, trong năm 2017 SCIC đã bán vốn tại 40 DN với giá trị là 1.903 tỷ đồng, thu về 21.639 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái của Vinamilk trong năm 2016 với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng và thoái trong năm 2017 với giá trị sổ sách là 247 tỷ đồng, thu về 8.990 tỷ đồng).
Hà Giang