Lán dã chiến của bộ đội biên phòng cửa khẩu Tân Thanh đặt cạnh lối mòn của thôn Nà Lầu, xã Tân Thanh (huyện Văn Lãng). Từ lối mòn này, người dân chỉ cần đi bộ vài trăm mét qua quả núi nhỏ là sang đến Pò Chài (Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc). Tổ công tác gồm ba người, sáu tiếng lại thay ca gác, trực 24/24. Trong lán chỉ có một chiếc giường gấp để bộ đội ngồi, tránh trú tạm lúc mưa rét.
Ba ngày qua, tổ công tác trên địa bàn thôn Nà Lầu đã ngăn hàng chục người dân xuất cảnh qua biên giới, chủ yếu là người đi thăm thân. Đại úy Vũ Xuân Quyết, thành viên tổ công tác kể hôm 3/2, một người dân trong bản định đi thăm con gái lấy chồng Trung Quốc mới sinh con. Bị biên phòng chặn lại mời quay về, người này đã nói rất nặng lời với lý do "làng bên kia không có dịch". "Cả nước đang căng mình chống dịch, bà con tốt nhất không đi qua đường mòn sang bên kia, nhỡ mang bệnh về thì khổ", nghe bộ đội thuyết phục một hồi, người dân mới chịu quay về.
Thiếu tá Đào Công Ngọc, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh cho biết đồn quản lý 13,4 km đường biên giới thuộc hai xã Tân Thanh và Tân Mỹ. Từ 2/2, đồn lập chốt chặn 12 điểm đường mòn, lối mở tương ứng với 12 lán nằm dọc đường biên, thành lập 5 tổ cơ động để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do virus corona. Tổ tuyên truyền xuống từng bản tặng khẩu trang miễn phí cho người dân và hướng dẫn cách phòng dịch bệnh qua loa truyền thanh.
Cuối tháng 1, khi dịch bệnh diễn biến khó lường với sáu ca dương tính ở Việt Nam, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương giáp biên tạm thời đóng các đường mòn, lối mở. Lạng Sơn có 253 km đường biên giới giáp Trung Quốc, Bộ đội biên phòng tỉnh đã tăng số lượng các tổ công tác tuần tra, kiểm soát chặt đường mòn, lối mở dọc biên giới, ngăn người dân xuất cảnh trái phép. Cán bộ ăn ngủ tại các lán dã chiến lập ngay tại nơi kiểm soát.
Người đối diện không nhìn rõ mặt đại úy Quyết suốt buổi trò chuyện khi anh đeo khẩu trang kín mít. Người đàn ông 43 tuổi nói "đó là quy định bắt buộc trong những ngày phòng chống dịch viêm phổi do virus corona". 12h trưa 2/2, anh Quyết cùng 69 đồng đội khác nhận lệnh từ Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lạng Sơn tăng cường cho ba cửa khẩu chính gồm Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma. Có hai tiếng chuẩn bị, anh chỉ kịp nhắn cho vợ một tin "anh đi công tác", rồi xách balo quân tư trang, chăn bông lên biên giới.
Tổ công tác tá túc trong ngôi nhà bỏ không của một gia đình trong bản. Đại úy Quyết ngồi trên chiếc "giường" được kê bằng hai viên gạch vồ chồng lên nhau, một tấm phản gỗ, trên cùng xếp đệm và chăn quân nhu. Chiếc quạt sưởi mượn được của người dân trong bản sáng đèn cả ngày. Nhiệt độ những ngày này ở khu vực biên giới luôn quanh quẩn 12 độ C. Đêm đầu tiên anh tăng cường lên đây cũng là đêm gió mùa từ phương Bắc tràn về, mưa phùn, rét 8 độ, Quyết không ngủ nổi. Gió đập uỳnh uỳnh qua cánh cửa tôn. Quyết mặc nguyên quân tư trang, áo bông để ngủ.
"Bố đi chống dịch", anh nói thật với cô con gái 12 tuổi lúc gọi điện về nhà. Ba ngày nay, lúc nào vợ Quyết cũng nhắc chồng phải đeo khẩu trang, rửa tay, súc miệng thường xuyên. Nhớ vợ con, nhưng anh xác định chuyến công tác này sẽ kéo dài, "khi nào có lệnh thì về". Anh chỉ mong nhanh hết dịch để bà con được làm ăn bình thường trở lại, bộ đội đỡ vất cả.
Cách đó 500 mét có một lán dã chiến khác. Lán nằm giữa rừng, chỉ có một chiếc sạp gỗ để nằm. Đại úy Kiều Duy Cường cho biết đây vốn là nơi ngủ nghỉ của các tổ công tác trên đường tuần tra biên giới. Mấy hôm trước không có điện, bộ đội phải dùng đèn pin chiếu sáng. Chiều qua, các chiến sĩ đã mang dây kéo nhờ điện từ trong thôn về lán vì xác định "sẽ ăn ngủ dài dài ở đây".
Chiều đông, đại úy Cường nhóm một đống lửa để anh em sưởi cho bớt lạnh. Chiến sĩ trẻ đùa: "Giá có con gà mà nướng". Cùng lúc, tiếng ai đó reo lên: "Điện đã về bản" khi đường điện nối thông, chiếc bóng đèn compact bật sáng giữa rừng.