(Tổ Quốc) - Sáng ngày 26/3, Bộ GDĐT đã tổ chức họp báo định kỳ về tình hình thực hiện nhiệm vụ Quý I và kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm Quý II năm 2019 của Bộ.
Thông tin tại buổi họp báo, Bộ GDĐT cho biết, trong Quý I/2019, Bộ đã thực hiện được 12 nội dung lớn, trong đó có những vấn đề trọng tâm của ngành giáo dục như: Xử lý sai phạm về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018; Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2019; Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ trong nhà trường; Tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản về giáo dục, đào tạo; Hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH chuẩn bị các điều kiện thực hiện Luật Giáo dục Đại học (sau sửa đổi)…
Toàn cảnh buổi họp báo
Trong Quý I/2019, đáng chú ý là Bộ GDĐT đã phối hợp mở rộng điều tra xác minh để xử lý các tiêu cực và gian lận có tổ chức tại Hội đồng thi một số địa phương. Kết quả điều tra cho thấy, đã phát hiện 44 thí sinh tại cụm thi Sơn La với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Tại cụm thi Hòa Bình phát hiện 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố. Căn cứ kết quả thông báo của Bộ Công an, Bộ GDĐT đã thông tin tới các Sở GDĐT Hòa Bình, Sơn La yêu cầu cập nhật kết quả thi sau khi chấm thẩm định, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018 cho các thí sinh liên quan; thông báo kết quả cho các thí sinh và các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ, trung cấp có nhóm ngành đào tạo có liên quan.
Bộ GDĐT đồng thời yêu cầu các ĐH, học viện, trường ĐH và các trường CĐ, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên, Cục Nhà trường (Bộ quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an) liên hệ chặt chẽ với các Sở GDĐT Hòa Bình, Sơn La để có thông tin về kết quả công nhận tốt nghiệp THPT sau rà soát, kết quả điểm thi tại công văn thông báo của Bộ Công an, của Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La để xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, 2018 và thông báo kết quả cho các thí sinh liên quan.
Các điều chỉnh trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 về điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc như: điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi tại Điểm thi và Hội đồng thi; Bộ GDĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đảm bảo phòng, chống, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi; tăng cường chỉ đạo các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy định của quy chế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Hệ thống phần mềm Quản lý thi và Phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được hoàn thiện, đã được tập huấn cho các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ và đã sẵn sàng hoạt động; công tác đăng ký dự thi THPTQG 2019 sẽ được bắt đầu từ 01/4/2019.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo
Bộ GDĐT đã sớm công bố bộ đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2019; ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BGDĐT ngày 18/3/2019 sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BGDĐT ngày 28/02/2019 về Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, trung cấp, cao đẳng sư phạm hệ chính quy, trong đó có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề; quy định bổ sung ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với khối ngành đào tạo giáo viên dùng phương thức xét tuyển kết hợp; ban hành các văn bản hướng dẫn về thi và tuyển sinh.
Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới: Bộ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình mới với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội nghị các trường sư phạm triển khai nhiêm vụ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý GDPT thực hiện chương trình GDPT mới. Ban hành Kế hoạch số 130/KH-BGDĐT ngày 19/02/2019 về biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới. Hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án bảo đảm CSVC cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017-2025; đề nghị các sở GDĐT thực hiện Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/01/2019 về việc hướng dẫn triển khai Chương trình GDPT trong đó nêu rõ các nhiệm vụ triển khai chương trình mới đối với các cơ quan QLGD ở địa phương và các cơ sở giáo dục trên toàn quốc; đến nay, hầu hết các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai. Tổ chức làm việc tại một số địa phương về việc thực hiện sắp xếp các trường, điểm trường, lớp học và công tác chuẩn bị CSVC, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình GDPT mới.
Trong buổi họp báo, Bộ GDĐT cũng thông tin một số nhiệm vụ trọng tâm trong Quý II/2019 Bộ sẽ thực hiện như: Tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019); Trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH; Chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH năm 2019; Triển khai các công tác về Chương trình GDPT mới: Chỉ đạo tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa mới; Hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường; hướng dẫn biên soạn và thực hiện tài liệu giáo dục của địa phương; hướng dẫn lựa chọn sách triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục triển khai chương trình mới. Rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT, sách giáo khoa mới. Hướng dẫn các địa phương chuẩn bị CSVC, thiết bị thực hiện chương trình GDPT, sách giáo khoa mới...