(Tổ Quốc) - Hầu hết các sách tham khảo được xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) không thẩm định nội dung các sách tham khảo trên thị trường.
- 23.09.2020 Phải cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học
- 09.09.2020 Sách tham khảo: Dù không bắt mua nhưng phụ huynh vẫn phải móc ví
- 08.09.2020 Nhà trường tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua sách tham khảo
- 21.05.2019 Nên quy định rõ sách tham khảo để tránh giáo viên lợi dụng dạy thêm, gây bức xúc trong phụ huynh
- 15.04.2013 Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về sách tham khảo
Liên quan đến sách giáo khoa và sách tham khảo, ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ cho hay, đầu năm học mới trước tình trạng thiếu SGK tại một số địa phương và vẫn còn một số cơ sở giáo dục giới thiệu sách tham khảo, kèm theo danh mục SGK gây bức xúc trong dư luận, ngày 08/9, Bộ GDĐT đã có văn bản về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo ông Nam, thị trường sách tham khảo rất phong phú, số lượng sách tham khảo của các nhà xuất bản chiếm phần lớn trong danh mục bán hàng trong các cửa hàng sách. Sách giáo khoa chỉ chiếm tỷ lệ rất ít, thậm chí có nơi không có, nhưng sách tham khảo là đa số. Nhưng hầu hết các sách tham khảo này được xuất bản theo quy định của luật, Bộ GDĐT không thẩm định nội dung các sách tham khảo trên thị trường.
Bộ GDĐT chịu trách nhiệm thẩm định chương trình, nội dung sách giáo khoa giáo dục phổ thông và hướng dẫn các địa phương quản lý, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường.
Bộ GDĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị SGK theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo. Đối với tài liệu tham khảo, thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/BGDĐT và Điều lệ trường học, trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc.
Bộ GDĐT cũng yêu cầu Sở GDĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc cung cấp SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ông Nam cho biết, để tăng cường quản lý, sử dụng sách tham khảo, Bộ GDĐT sẽ chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT theo hướng quy định cụ thể hơn về yêu cầu, thẩm định, lựa chọn, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường.
Trong đó, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên sử dụng sách tham khảo đưa vào đề kiểm tra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng SGK, sách tham khảo.
Về sách tham khảo, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học khẳng định, trong luật quy định chương trình và chỉ có sách giáo khoa.
Sách giáo khoa là tài liệu thể hiện cụ thể của chương trình, là tài liệu dạy học chính thức trong nhà trường. Trong quy định không có khái niệm sách bổ trợ.
Sách tham khảo là do các nhà xuất bản tung ra theo Luật Xuất bản. Những tài liệu này bán ngoài thị trường và không phải bắt buộc với học sinh. Nếu đưa vào trong nhà trường, cụ thể là các thư viện, chỉ để thầy trò tham khảo trong quá trình dạy và học.
Ông Thành cho biết, trong Thông tư 21 năm 2014 của Bộ GDĐT có 8 điều quy định rõ ràng về tài liệu này. Các cơ quan quản lý ở địa phương, phòng GDĐT phải có trách nhiệm để quản lý việc này. "Giáo viên cũng không được ép, khuyến khích học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Ở đâu thực hiện sai, yêu cầu Sở GDĐT, phòng GDĐT phối hợp xử lý", ông Thành nhấn mạnh.