• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bố kiện ra tòa đòi đất và nhà của con trai

Pháp luật 15/10/2018 10:03

(Tổ Quốc) - Lấy vợ, muốn chuyển ra ở riêng, nên người con trai này đã lấy lại ngôi nhà mà người bố đang cho thuê. Tuy nhiên, sau khi lấy lại ngôi nhà và vừa chuyển về để ở thì bị người bố đâm đơn ra tòa, kiện đòi lại đất..

Bố kiện ra tòa đòi đất và nhà của con trai - Ảnh 1.

Hình minh họa - Ảnh Vi Phong

Tôi năm nay 58 tuổi, ở thị trấn Lộc Bình, Lạng Sơn. Tôi và chồng tôi đã ly hôn được 10 năm nay. Trước đây, khi còn chung sống, hai vợ chồng tôi có mua được 2 mảnh đất tại thị trấn Lộc Bình. Một mảnh đất hiện tôi và các con đang ở. Mảnh đất khác, vợ chồng tôi làm nhà (2 tầng) rồi cho thuê. Tại thời điểm ly hôn, vợ chồng tôi không làm thủ tục phân chia tài sản. Theo đó, tôi và 3 con vẫn sinh sống tại ngôi nhà cũ mà trước kia gia đình tôi vẫn sống. Chồng tôi sống và có con với người phụ nữ khác.  Căn nhà cho thuê, trước đây là nguồn thu của gia đình thì kể từ ngày ly hôn chồng tôi quản lý. Đầu năm 2018, con trai thứ 2 của tôi lấy vợ và muốn chuyển ra ở riêng nên đã lấy lại ngôi nhà mà chồng tôi cho thuê để ở. Tuy nhiên, lúc này chồng tôi phản đối và gửi đơn ra tòa để kiện đòi lại đất và nhà.  Hiện tại mảnh đất này vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Vậy tôi xin hỏi là việc chồng tôi đòi lại nhà và kiện mẹ con tôi có đúng không? Việc con trai tôi chuyển về sinh sống tại ngôi nhà đó có vi phạm pháp luật? Kính mong được giải đáp.

Về việc này, Luật sư Trần Viết Hưng, đoàn Luật sư TP Hà Nội có tư vấn như sau:

Thứ nhất, việc chồng chị khởi kiện mẹ con chị ra Tòa án để đòi lại quyền sử dụng mảnh đất nói trên là sai quy trình giải quyết tranh chấp đất đai. Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định:

"Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Việc người chồng – người bố kiện ra tòa án để đòi lại quyền sử dụng mảnh đất nói trên là sai quy trình giải quyết tranh chấp đất đai

Luật sư Trần Viết Hưng

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành."

Như vậy, theo quy định trên, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Trường hợp các bên tranh chấp đất đai không hòa giải được thì có thể gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải, (trong trường hợp của chị là UBND thị trấn Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn).

Trường hợp tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì sẽ được giải quyết như sau:

a. Theo thông tin tại vụ việc trên, mảnh đất nhà chị chưa được cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), tuy nhiên nếu có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 thì do Tòa án nhân giải quyết.

b. Trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết đó là:

- Thứ nhất, nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thểm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai số 45/2013/QH13;

- Thứ hai, khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Như vậy, việc chồng chị khởi kiện mẹ con chị lên Tòa án nhằm đòi lại quyền sử dụng mảnh đất nói trên là sai quy trình giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai số 45/2013/QH13.

Thứ hai,  chưa thể khẳng định được việc con trai chị chuyển về sinh sống tại ngôi nhà đó có vi phạm pháp luật hay là không, bởi: Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định:

"Điều 91. Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành

1. Tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:

a) Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra;"

b) Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;

c) Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

d) Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước;      

đ) Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất."

Chưa thể khẳng định việc người con trai chuyển về sinh sống tại ngôi nhà mà người bố đang cho thuê có vi phạm pháp luật hay không…

Luật sư Trần Viết Hưng

Như vậy, theo quy định trên, đối với trường hợp mảnh đất và nhà của chị chưa được cấp sổ đỏ nhưng một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì có thể căn cứ vào đó để xét xem ai là người có quyền sử dụng đất và nhà trong trường hợp trên.

Trường hợp mảnh đất và nhà của chị chưa được cấp sổ đỏ nhưng cũng không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì phải căn cứ dựa trên "Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra; Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương; Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước; Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất." để xem xét ai là người có quyền sử dụng đất và nhà nói trên.

Trong trường hợp này, chị và con nên chủ động hòa giải với chồng chị trên tinh thần tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau. Trường hợp không hòa giải được thì chị có thể giải quyết tranh chấp theo quy định của Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 như phân tích ở phần 1./.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ