(Tổ Quốc) - Các Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ có thể rất tích cực, nôn nóng nhưng cấp vụ, đặc biệt là cấp chuyên viên trực tiếp soạn thảo các văn bản đã không làm được đúng theo yêu cầu. Có vấn đề là các bộ phận quản lý giấy phép không muốn thực hiện những cải cách để tước bỏ quyền lợi của mình”.
- 26.03.2019 Giấy phép con “hành” doanh nghiệp: “Mấy ông ngồi phòng lạnh thì biết gì thực tế?”
- 16.10.2018 Tổ công tác của Thủ tướng chỉ rõ nhiều giấy phép con
- 13.10.2018 “Giấy phép con và sự vòi vĩnh phiền hà đối với doanh nghiệp là rất nghiêm trọng”
- 16.01.2018 Bãi bỏ loạt giấy phép con, tạo điều kiện cho kinh doanh xăng dầu
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Petrotimes)
Thời gian qua, thực hiện việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, một số bộ làm rất quyết liệt. Ví như: Bộ Công Thương đã cắt giảm, bãi bỏ tổng cộng 675 điều kiện trên tổng số 1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%). Với số lượng cắt giảm như vậy, Bộ đã hoàn thành phương án đề xuất tại Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.
Hay như Bộ Xây dựng cắt 183/215 điều kiện kinh doanh, vượt 35,12%; Bộ Y tế cắt 1.343 điều kiện kinh doanh, vượt 21,78%; Bộ Tài nguyên và môi trường vượt 12%, Bộ Giáo dục và đào tạo vượt 11%.
Bộ Xây dựng cũng đã bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 điều kiện (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ. Tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35 % so với yêu cầu tối thiểu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo chỉ thị.
Riêng Bộ Thông tin và truyền thông mới cắt được 26/385 điều kiện kinh doanh, đạt 13%. Bộ Giao thông Vận tải mới cắt giảm được 109/570 điều kiện kinh doanh (19,12%).
Cắt nhưng có thực sự giảm?
Bên cạnh việc một số bộ ngành vượt chỉ tiêu đề ra trong việc cắt giảm giấy phép con, hiện vẫn còn nhiều bộ ngành chậm trễ. Đáng nói là hiệu quả của việc cắt giảm giấy phép con ở từng bộ ngành, từng lĩnh vực chưa thực sự thực chất, mang tính đối phó và chạy theo con số.
Theo tổng kết, hiện vẫn còn hơn 2.000 điều kiện kinh doanh đã lên phương án chưa cắt giảm được, thuộc trách nhiệm của các Bộ Tài chính, Thông tin và truyền thông, Giao thông vận tải, Khoa học và công nghệ, Y tế, Tư pháp...
Ví như về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan. Quy định hiện hành về điều kiện là: "có hệ thống camera đáp ứng các tiêu chí sau: quan sát được các vị trí của các kho bãi, địa điểm. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ); dữ liệu về hình ảnh camera được lưu giữ tối thiểu 12 tháng; hệ thống camera được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý".
Phương án đề xuất đơn giản hóa đưa ra là: "có hệ thống camera đáp ứng kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý. Hình ảnh quan sát được các vị trí trong cửa hàng miễn thuế vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ), dữ liệu về hình ảnh lưu giữ trong 12 tháng".
Có thể thấy, được tính là đơn giản hoá nhưng về bản chất các điều kiện cho mục trên là như nhau, không thay đổi đáng kể.
Ông Vũ Tiến Lộc trong bài phỏng vấn Báo Pháp luật TPHCM từng cho biết, VCCI cũng như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và các chuyên gia độc lập đã kiến nghị tám tiêu chí định tính. Bất kể điều kiện nào vướng một trong tám tiêu chí đó là phải bỏ.
Mục tiêu cuối cùng là việc cắt giảm phải có tác động thực tiễn, giúp ích cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản được thủ tục hành chính. Bởi hiện nay nhiều thủ tục hành chính trong kinh doanh của Việt Nam so với các nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN vẫn còn phiền hà và nhiêu khê.
Tại cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ ngành về việc cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc đơn đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh ngày cách đây vài tháng, ông Lộc cũng từng phát biểu: "Các Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ có thể rất tích cực, nôn nóng nhưng cấp vụ, đặc biệt là cấp chuyên viên trực tiếp soạn thảo các văn bản đã không làm được đúng theo yêu cầu. Có vấn đề là các bộ phận quản lý giấy phép không muốn thực hiện những cải cách để tước bỏ quyền lợi của mình".
Suy cho cùng, doanh nghiệp vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Giám đốc một doanh nghiệp taxi tại Hà Nội từng chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc: "Chúng tôi làm doanh nghiệp vốn đã vất vả, về thủ tục hành chính lại còn nhiều phức tạp. Có quá nhiều vấn đề mà tôi không tiện nói qua điện thoại. Hôm nào mời nhà báo qua văn phòng, tôi sẽ dốc bầu tâm sự về sự nhiêu khê của hành chính nước nhà".