(Tổ Quốc) - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, theo như các điều tra, báo cáo của doanh nghiệp thì họ đều nói phải chi tiền. Vì thế, giấy phép con và sự vòi vĩnh phiền hà đối với doanh nghiệp là rất nghiêm trọng.
- 12.10.2018 Hộ kinh doanh từ chối thành DN vì muốn níu kéo tình trạng “bố làm chủ tịch, con làm kế toán”
- 11.10.2018 “Siêu Ủy ban phải gắn với hiệu quả kinh doanh, hiệu quả đồng vốn của nhà nước”
- 10.10.2018 Thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế vào năm 2019: Doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị được gì?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). Nguồn: Soha
Tại phiên họp thường kỳ chính phủ ngày 3/8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh cần sớm giảm số lượng giấy phép con cho doanh nghiệp xuống so với con số 5.719 hiện tại. Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) rằng trong 243 ngành nghề kinh doanh, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh (thường được gọi là giấy phép con). Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu từng kể: "Tôi đã từng chứng kiến nhiều chủ doanh nghiệp khóc trong các cuộc hội thảo chỉ vì thủ tục, ĐKKD vô cảm".
Trước tình trạng giấy phép con đang "hành" doanh nghiệp, Báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM):
-Ông nhận định gì về tình hình giấy phép con hiện nay?
+ Theo tôi tình trạng giấy phép con và sự vòi vĩnh phiền hà của một số quan chức đối với doanh nghiệp là nghiêm trọng. Theo như các điều tra, báo cáo của doanh nghiệp thì họ đều nói rằng phải chi tiền và họ đều than phiền về vấn đề này, trong đó liên quan đến chi phí, thời gian… của họ.
Tôi nghĩ rằng, Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực rất đáng trân trọng nhưng vấn đề thực tế là viên chức, quan chức là hiện nay có lương không đủ sống và họ phải chạy chọt, "đầu tư" tiền để họ nhận được vị trí nào đó. Vì vậy tôi cho rằng việc dẹp bỏ giấy phép con, giảm phiền hà cho doanh nghiệp là rất gian nan, rất khó khăn bởi vì giấy phép con đang trở thành phương tiện, cách bổ sung thu nhập cho những viên chức, quan chức đó.
Cho nên, một mặt tôi rất hoan nghênh, trân trọng vào các sự chỉ đạo cương quyết của Thủ tướng Chính phủ nhưng mặt khác cũng phải nói rằng việc làm giảm giấy phép con là rất khó khăn.
Tôi cho rằng việc dẹp bỏ giấy phép con, giảm phiền hà cho doanh nghiệp là rất gian nan, rất khó khăn bởi vì giấy phép con đang trở thành phương tiện, cách bổ sung thu nhập cho những viên chức, quan chức.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, lúc bấy giờ tổ công tác của cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát hiện ra 286 giấy phép con và số lượng này sau đó đã giảm đi một nửa.
Hiện nay, theo báo chí đã thông tin, giấy phép con đã lên tới 6.000. Một luật sư từng cho tôi biết con số này thực tế là 7.000.
Có tình trạng doanh nghiệp cho biết bỏ giấy phép này thì lại có giấy phép khác, hoặc có tình trạng biến tướng giấy phép đấy vào một việc khác.
-Chia sẻ với Báo Tổ Quốc, một doanh nghiệp dệt may cho biết, năm 2019, Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế. Để cạnh tranh về thuế, nguồn gốc nguyên liệu trong dệt may như: vải, sợi… là yếu tố quan trọng. Dù vậy, việc đầu tư vào nhà máy dệt tại một số địa phương là không dễ dàng khi các địa phương yêu cầu quá cao về hệ thống xử lý nước thải (cột B), trong khi quy định của Nhà nước chỉ là (cột A), trong khi nếu đáp ứng cột A thì chi phí tăng thêm 60 tỷ đồng. Ông chia sẻ gì về việc doanh nghiệp cho rằng, yêu cầu của địa phương là quá cao và từ đây nảy sinh ra sự "thỏa hiệp"?
+ Địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm và họ phải đối mặt với sự phản đối của người dân cho nên việc họ nâng tiêu chuẩn lên, đòi hỏi này khác là có lý của họ. Còn việc địa phương đòi hỏi doanh nghiệp phải chi thêm để được thực hiện dự án của mình thì đó là điều họ đòi hỏi phải có sự giám sát, phải có sự công khai minh bạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải giám sát về việc này. Cần phải có sự giải trình ở đây.
Ở các quốc gia khác không có chuyện này. Nếu như Bộ đã có quy định thì cứ theo quy định mà thực hiện. Địa phương nào làm khác đi thì Bộ trưởng sẽ truy trách nhiệm của địa phương đó chứ không có chuyện Bộ quy định một đằng địa phương làm một nẻo.
-Ông có cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng giấy phép con các quy định trong luật về kinh doanh còn sử dụng các cụm từ còn rất chung chung khiến việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh gần như đang gặp cản trở?
+ Đúng là như vậy. Trong các luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn các cụm từ chỉ mang tính chất định tính. Ví như mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dự thảo rằng nếu giáo viên xúc phạm danh dự của học sinh thì sẽ bị phạt. Vậy thế nào là xúc phạm? ai giám sát?... Nếu quy định trong luật của chúng ta cứ chung chung như vậy thì sẽ rất khó.
Tôi cho rằng, các cơ quan khi trình luật phải cụ thể hơn. Quốc hội khi thông qua cũng phải cố gắng làm thật cụ thể, chính xác để tránh tình trạng có các câu quy định mà người ta có thể vận dụng theo nhiều cách khác nhau.
-Hiện các bộ, ngành đang được giao để tự rà soát các điều kiện kinh doanh nhằm đề xuất bãi bỏ nhưng lại không có một cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định kết quả rà soát đó. Cách làm này có thể sẽ không hiệu quả bởi chính các bộ, ngành là nơi sản sinh ra các sản phẩm cấp phép đó, thưa ông?
+Người ta không thể nào vừa "đá bóng vừa thổi còi, vừa lấy đá ghè chân mình". Không thể vừa xây dựng luật rồi lại đi cắt giảm những thứ mình xây dựng lên.
Cần phải nhìn vào thực tế. Ở đây cần có sự giám sát. Chính phủ cần lập hội đồng giám sát. Các Ủy ban của Quốc hội cũng phải có sự giám sát của mình.
-"Cuộc chiến" giấy phép con có vẻ kéo dài mãi mà chưa kết thúc, thưa ông?
+ Vấn đề giấy phép con kéo dài từ năm 2001 đến nay, đã gần 20 năm rồi và vấn đề này vẫn còn dai dẳng.
Để giảm điều này cần phải minh bạch, công khai và cần phải có sự giám sát. Ngoài ra, cần vận dụng chính phủ điện tử, đưa công khai thông tin lên mạng. Chính phủ điện tử sẽ giảm khoảng 98% sự tiếp xúc giữa con người với con người, từ đó hạn chế được tình trạng này.
Theo tôi, để giảm giấy phép con là một cuộc chiến lâu dài và cần có biện pháp đồng bộ, đi kèm với tinh giản biên chế và chế tài xử phạt. Chúng ta không thể hy vọng vào mệnh lệnh cắt giảm rồi hy vọng tự nó sẽ tiến bộ bởi giấy phép con luôn gắn liền với mức thu nhập.
-Xin cảm ơn ông!