(Tổ Quốc)- "Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác so với các bộ ngành ở chỗ đây không chỉ là cơ quan quản lý hành chính đơn thuần mà còn phải gắn với hiệu quả kinh doanh, gắn với hiệu quả đồng vốn của nhà nước".
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng - một trong những người tham gia ý tưởng về hình thành mô hình Ủy ban ngay từ đầu.
Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa chính thức ra mắt, đi vào hoạt động cuối tháng 9 vừa qua. Cơ quan này sẽ quản lý khoảng 1,5 triệu tỷ đồng vốn nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối.
Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng - một trong những người tham gia ý tưởng về hình thành mô hình Ủy ban ngay từ đầu - đã nhấn mạnh về việc làm thế nào để hoạt động của Ủy ban có hiệu quả.
-Thưa ông, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức đi vào hoạt động. Là một trong những người tham gia ý tưởng về hình thành mô hình Ủy ban ngay từ đầu, ông có thể chia sẻ về việc làm thế nào để hoạt động của Ủy ban thực sự đem lại hiệu quả?
+ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt. Cũng đã có nhiều ý kiến nói về vai trò của Ủy ban, trong đó nhấn mạnh việc làm thế nào để đảm bảo các bộ ngành không "vừa đá bóng, vừa thổi còi", tức là không bao gồm cả hai chức năng sở hữu và giám sát.
Bên cạnh đó, Ủy ban phải đảm bảo hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty vốn nhà nước. Ủy ban ra đời cũng nhằm giảm bớt đi các thủ tục hành chính. Cụ thể, ở đây là về một đầu mối thay vì trước đây một tổng công ty phải báo cáo nhiều đầu mối khác nhau.
Những cán bộ chủ chốt phải vừa công tâm và vừa có năng lực quản lý, có động lực, trách nhiệm đối với cán bộ Ủy ban.
Chuyên gia Cấn Văn Lực
Tuy nhiên, để cho Ủy ban này hoạt động hiệu quả thì phải đảm bảo rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, để không bị chồng chéo với các bộ ngành. Như vậy, đòi hỏi sự phối kết hợp phải nhuần nhuyễn ngay từ đầu giữa các bộ ngành, địa phương trước đây là chủ quản của các tập đoàn, tổng công ty đó…
Từ nay, Ủy ban quản lý, giám sát và can thiệp vào những hoạt động nào thì phải rất cụ thể chứ không phải là tất cả các hoạt động hoặc bỏ sót khâu này, bỏ sót khâu kia. Quan trọng là phải quản lý, giám sát những mặt trọng yếu của một doanh nghiệp.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, cần phải đảm bảo đủ nguồn lực cho Ủy ban hoạt động. Nguồn lực đầu tiên là con người. Những cán bộ chủ chốt phải vừa công tâm và vừa có năng lực quản lý, có động lực, trách nhiệm đối với cán bộ Ủy ban.
Hay như về lương bổng, mặt "cứng" thì sẽ như các bộ ngành khác nhưng mặt "mềm" là nếu doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả tốt mà doanh nghiệp này do các cán bộ này, nhân viên kia quản lý thì phải có thêm phần thưởng cho họ. Ngược lại, nếu kinh doanh kém hiệu quả thì họ phải chịu trách nhiệm. Điều này gọi là cơ chế động lực và chế tài…
Về công nghệ thông tin, Ủy ban được thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin khá hiện đại. Nhưng phải lưu ý rằng, thông tin đầu vào phải chuẩn, phải đồng bộ…mới là quan trọng.
Ngoài ra, Ủy ban phải có quy chế chính sách quy trình nội bộ hoạt động đầy đủ và phải đảm bảo vận hành suôn sẻ ngay từ đầu. Phải sớm có bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp.
-Ông chia sẻ như thế nào trước một số quan điểm cho rằng, Ủy ban cần được xem là một nhà đầu tư chứ không chỉ quản lý vốn nhà nước như tên gọi của nó?
+ Ủy ban phải làm cả hai nhiệm vụ, vừa là cơ quan quản lý giám sát, vừa là nhà đầu tư. Nếu Uỷ ban chỉ đơn thuần là nhà đầu tư thì thực ra cũng chỉ là một cổ đông. Còn nếu Ủy ban chỉ giữ vai trò là cơ quan quản lý thì cũng giống như bộ ngành trước đây. Nên Ủy ban sẽ phải giữ cả hai vai trò.
-Là một trong những người được tham gia ý tưởng về hình thành mô hình Ủy ban ngay từ đầu. Ông tin tưởng như thế nào về sự vận hành của Ủy ban này?
+ Cá nhân tôi ủng hộ mô hình Ủy ban này. Tuy nhiên, để Ủy ban hoạt động suôn sẻ và hiệu quả thì tôi cũng đã có một số ý kiến đề nghị về vai trò, cách thức hoạt động của Ủy ban. ..
Ủy ban này khác so với các bộ ngành ở chỗ không phải là cơ quan quản lý hành chính đơn thuần mà phải gắn với hiệu quả kinh doanh, hiệu quả đồng vốn của nhà nước. Cho nên, tính kinh tế thị trường trong Ủy ban phải được chú trọng.
Tính kinh tế thị trường trong Ủy ban phải được chú trọng
Chuyên gia Cấn Văn Lực
Thứ nữa, về cơ chế lương bổng phải được như tôi đã nói ở trên và chế tài gắn với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do cán bộ đó quản lý. Điều này khác so với các bộ ngành. Các bộ ngành chỉ có phần "cứng".
Thêm điều nữa tôi muốn nói là hoạt động của Ủy ban phải hiện đại và công khai, minh bạch hơn so với các bộ ngành. Ví như, cơ chế đánh giá cán bộ cũng phải khác so với các bộ ngành, không thể chung chung…
-Ông tin tưởng thế nào về vai trò của người đứng đầu Ủy ban?
+ Tôi không bình luận, nhưng theo tôi, Ủy ban phải đảm bảo đủ đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất và tính nhạy bén với thị trường. Khi doanh nghiệp trình lên lãnh đạo Ủy ban phải xem xét, phê duyệt nhanh chứ không phải để mất cơ hội, đồng thời cũng phải dám chịu trách nhiệm với ý kiến đề xuất và quyết định của mình. Cái này gọi là tính thị trường.
Ngoài ra, trách nhiệm của người đứng đầu Ủy ban còn ở chỗ họ thay mặt cả nước quản lý nguồn vốn rất lớn. Và sức ép là họ phải làm thế nào để nguồn vốn đó hiệu quả hơn trước.
-Xin cảm ơn ông!