(Tổ Quốc) -Trong bối cảnh các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trong nước đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa, sáng nay (24/4), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) đã tổ chức Hội nghị tìm giải pháp “cứu” ngành chăn nuôi lợn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị.
- 10.04.2017 Bài 1: Lợn xuống giá thê thảm, nhà nhà làm “đồ tể” tự cắt lỗ
- 11.04.2017 Bài 2: Lợn xuống giá thê thảm, nhà nhà “bỗng dưng” được ăn thịt sạch
- 12.04.2017 Bài 3: Lợn xuống giá thê thảm: Trăm kiểu “thanh lý” thịt lợn
- 14.04.2017 Bài 4: Lỗ đơn lỗ kép, người nuôi lợn tính kế “treo chuồng”
- 16.04.2017 Nghịch cảnh lợn hơi giá rẻ như cho nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua đắt
- 17.04.2017 Chính phủ yêu cầu theo dõi sát diễn biến thị trường thịt lợn
- 19.04.2017 Kiến nghị dừng tạm nhập, tái xuất thịt lợn để bảo vệ thị trường trong nước
Tại Hội nghị, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, mặt hàng thịt lợn hiện đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Giá lợn hơi đang xuống thấp, khoảng 25.000 đồng - 28.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Sắp tới vào mùa hè thì tình hình lại càng bi quan hơn.
Bộ trưởng NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Hội nghị |
“Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi, ngay cả những hộ trang trại lớn cũng sẽ không trụ được’, ông Hoàng Thanh Vân cho hay.
Trước tình hình đó, nhiều công ty cho biết đã phải tìm giải pháp xử lý. Đại diện Công ty CP Việt Nam cho biết, hiện công ty đang tìm giải pháp, trong đó có tăng cường bán thịt theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu.
Theo đại diện Công ty Dabaco, hiện công ty này đã giảm giá thức ăn 5-7% từ tuần trước, giảm giá bán con giống, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra…
Một số công ty như: Công ty Nam Hà Nội, Công ty Lái Thiêu… thì hỗ trợ người chăn nuôi bằng cách mua cao hơn giá thị trường vài giá, hỗ trợ tiền thanh toán cho khách hàng, cho người dân nợ, giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý…
Cùng với những giải pháp hỗ trợ tạm thời trên, một số đại diện doanh nghiệp đã kiến nghị có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi vay vốn, đỡ chi phí, mà cụ thể là giá nguyên liệu đầu vào, bã đậu nành đang chịu thuế 2%...
‘Đề nghị xem lại mức thuế này”, bà Kim Ánh, đại diện Công ty Lái Thiêu nói.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết lý do triệu tập cuộc họp gấp này là vì suốt gần nửa năm qua, giá thịt lợn liên tục sụt giảm và thời điểm này có lẽ là đỉnh điểm khi giá thịt lợn thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo Bộ trưởng, lý do dẫn tới tình trạng giá thịt lợn xuống thê thảm như hiện nay là nguồn cung đang lớn hơn cầu. Trong 20 năm qua, riêng về sản lượng thịt tăng khoảng 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn.
Ngoài ra, tổ chức ngành hàng thịt lợn chưa tốt, đa số là quy mô hộ nhỏ lẻ. Khâu chế biến trong chăn nuôi hiện rất yếu, trừ một số tập đoàn lớn có chế biến sâu, hầu hết vẫn bán thịt tươi sống, tiêu thụ ở các chợ truyền thống.
Khâu tổ chức thị trường cũng kém, chưa phát triển. Việt Nam chỉ mới xuất được một ít lợn sữa sang Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore…Trong khi đó, các nước nhu cầu thịt lợn lớn như: Trung Quốc, các nước ASEAN… đều chưa được kết nối qua kênh chính thức.
Về các giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phải tái cơ cấu lại ngành hàng chăn nuôi lợn, theo hướng, rà soát soát giảm quy mô cho phù hợp nhất. Cụ thể, phải giảm đàn nái từ 4,2 còn 3 triệu con vào năm 2019 và hướng tới chất lượng tốt hơn.
Ngoài ra, phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Cùng với đó, phát triển đối tượng khác thay thế bởi không nhất thiết cứ nuôi lợn mà có thể thay bằng: thịt trâu, bò, thịt dê… . Đồng thời, tăng chế biến sâu, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, thị trường.
Bộ trưởng đề nghị trước mắt cần giảm giá thành các yếu tố đầu vào như: cám, thuốc thú y… nhằm chia sẻ khó khăn với các hộ chăn nuôi.
Bộ trưởng cũng cho biết, tại Hội nghị cấp cao APEC tổ chức ở Việt Nam sắp tới, dự kiến Bộ sẽ có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về vấn đề xuất khẩu chính ngạch thịt lợn./.
Hà Giang