(Tổ Quốc) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
- 16.04.2019 Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL phối hợp làm rõ việc quản lý các hoạt động thương mại, dịch vụ, thu tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng
- 18.01.2013 Mùa lễ hội 2012: gần 300 tỷ đồng tiền công đức
- 22.03.2012 Tiền công đức phải quay lại phục vụ tôn giáo tín ngưỡng
- 20.03.2012 Quản lý tiền công đức: Mỗi nơi một kiểu
Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc, không lợi dụng việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.
Không được dâng cúng, công đức, tài trợ và không được tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ có mục tiêu, ý nghĩa hoặc kèm theo các điều kiện làm sai lệch bản chất, nội dung, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa, truyền thống của lễ hội; xâm hại kiến trúc di tích, danh lam thắng cảnh; độc hại, nguy hiểm đối với môi trường, sức khỏe của con người; mê tín, dị đoan, cờ bạc và vi phạm pháp luật khác.
Việc dâng cúng, công đức, tài trợ của tổ chức, cá nhân cho các di tích, hoạt động dịch vụ trong lễ hội, di tích được thực hiện thông qua các hình thức: Bằng tiền (Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ); bằng hiện vật bao gồm kim loại quý, đá quý; bằng tài sản phi vật chất như ngày công lao động trông nom, bảo vệ, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, vệ sinh môi trường, và các công tác khác.
Dự thảo quy định rõ về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội. Theo đó, nội dung sử dụng tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội bao gồm: Hoạt động của Ban tổ chức lễ hội; bồi dưỡng cho những người được trưng tập, ban tổ chức lễ hội, phục vụ trực tiếp các hoạt động của di tích vào các dịp lễ hội và tham gia kiểm đếm, chấm công, giám định và giám sát; công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá lễ hội, di tích…
Đối với quản lý tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ cho di tích, dự thảo nêu rõ: Để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ, cơ quan, đơn vị quản lý di tích thành lập Tổ tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ.
Tổ tiếp nhận có trách nhiệm định kỳ hàng năm công bố thông tin công khai về việc tiếp nhận các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ (các khoản dâng cúng, công đức tài trợ của từng tổ chức, cá nhân); cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Nội dung sử dụng tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ bao gồm: Chi phí hương hoa, lễ vật, phẩm vật, đèn nhang dâng cúng hàng ngày tại di tích; bồi dưỡng cho những người được trưng tập, phục vụ trực tiếp các hoạt động của di tích và tham gia các công việc thường trực, kiểm đếm, chấm công, giám định và giám sát; công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường tại di tích.
Dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin Bộ Tài chính để lấy ý kiến góp ý đến ngày 24/4/2020./.