(Tổ Quốc) - Sáng 20/1, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Gặp mặt, chúc Tết văn nghệ sĩ nhân dịp xuân Nhâm Dần 2022. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì buổi Gặp mặt.
- 18.01.2022 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Tiếp tục điều nghiên để đề xuất mở cửa đón khách du lịch quốc tế vào dịp 30/4”
- 17.01.2022 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Rèn luyện đảng viên trong ngành VHTTDL tính tiền phong gương mẫu, sẵn sàng đảm nhận những việc khó”
- 12.01.2022 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần tiếp cận Luật Di sản văn hóa theo hướng bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, di sản
- 05.01.2022 Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và những dấu ấn của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2021
Cùng dự buổi Gặp mặt có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, bộ, ngành, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ.
Tại cuộc Gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trong năm qua, với chủ đề hành động là "Năm cơ chế chính sách", toàn ngành đã tạo ra một số sự kiện tiêu biểu, một số kết quả nổi bật. Có những con số biết nói để so sánh với năm 2020 và đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Đặc biệt, trong năm, một sự kiện nổi bật để lại nhiều dấu ấn là Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Một Hội nghị có nhiều văn nghệ sĩ dự và chúng ta có dịp nhìn lại 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, những thành tựu đạt được cũng như thẳng thắn chỉ ra những khó khăn thách thức.
"Đây cũng là dịp để chúng ta dẫn luận, hệ thống lại toàn bộ các quan điểm, đường lối của Đảng để có nhận thức đúng, đủ để từ đó có hành động đúng nhất. Một Hội nghị mà toàn ngành được lắng nghe những chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư với tất cả tâm huyết, mong chờ và phải đặt ra yêu cầu phải chấn hưng văn hóa...", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, sau Hội nghị văn hóa toàn quốc, đội ngũ văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa đã được tiếp thêm động lực để thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình.
Bộ trưởng cho rằng, năm 2021, dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tình đồng chí, nghĩa đồng bào tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ của dân tộc được nhân lên thành sức mạnh mềm của văn hóa. Bằng văn hóa và từ văn hóa, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đã có sự đổi mới trong cách thức tổ chức, thông qua các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, mang đến "liều vaccine tinh thần" phục vụ, cổ vũ nhân dân cùng nhau đoàn kết, vượt qua đại dịch...
Theo Bộ trưởng, với sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, nhiều việc chưa có tiền lệ đã được làm thành công như các Nhà hát online, Nhà hát truyền hình, các kỳ liên hoan, gặp mặt tạo ra sân chơi cho giới văn nghệ sĩ, tạo nơi để các văn nghệ sĩ được cống hiến tài năng.
"Nhìn lại những chương trình livestream với các văn nghệ sĩ có tên tuổi mang đến liều thuốc tinh thần vô giá cho bệnh nhân trên giường bệnh, vào thời điểm cam go nhất để được nghe tiếng hát, lời ca, bớt đi lo âu bệnh tật. "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" không chỉ là một mệnh đề mà là sự dấn thân của đội ngũ; không chỉ kết nối trong quốc gia mà còn được kết nối với các văn nghệ sĩ ở nước ngoài, những người con của đất Việt"- Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng cũng cho biết, về thể thao, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Dân cường, nước thịnh. Ngay cả trong đại dịch, tinh thần thể thao vẫn được nâng cao như phong trào "cả nhà tập ngay- đánh bay Covid"; những bài hướng dẫn tập luyện được truyền tải, giúp nhân dân có sức khỏe vượt qua đại dịch. Bên cạnh đó, thể thao thành tích cao vẫn tham gia các đấu trường quốc tế, khẳng định tinh thần ý chí của Việt Nam.
Du lịch Việt Nam cũng bắt đầu tìm hướng đi, cách làm mới, du lịch trong "vùng xanh" ngay trong thời kỳ đại dịch. Cùng với đó, Bộ VHTTDL đã đề xuất Chính phủ, Bộ Chính trị cho phép thí điểm mở cửa thị trường quốc tế. Du lịch Việt Nam, điểm đến an toàn là thương hiệu được bạn bè quốc tế ghi nhận.
"Những sự kiện có tính chất tiêu biểu đều đã khẳng định rằng chúng ta đã tham mưu đúng, đã quyết liệt hành động, có khát vọng cống hiến và vì vậy tạo ra sức mạnh cho ngành lấy lại vị thế của mình. Con đường phía trước còn khó khăn nhưng ý tưởng, công việc ta làm đã tạo thêm niềm tin, nguồn lực để chúng ta vững tin vào ngày mai"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, năm 2021, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 với 11 nội dung và 7 đề án lớn. Trách nhiệm của ngành văn hóa là phải cụ thể hóa hành động của từng năm, trong đó năm 2022 toàn ngành tập trung xây dựng môi trường văn hóa, coi đây là một trong những yêu cầu có tính chất sống còn để quyết định nhiệm vụ chấn hưng văn hóa. Nói rộng ra là phải có hệ sinh thái văn hóa, môi trường văn hóa.
Bộ trưởng khẳng định, nếu không có môi trường văn hóa thì không thể rèn giũa, hun đúc được con người văn hóa. Nhưng môi trường văn hóa rất rộng, nên chúng ta tiếp cận theo hướng làm điểm để nhân rộng, vì vậy chọn môi trường văn hóa cơ sở, lấy khu phố, làng bản là nơi tác nghiệp của toàn ngành với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa để xây dựng, khắc phục cho được bệnh thành tích. Các làng văn hóa, thôn văn hóa, gia đình văn hóa đi vào thực chất, nhưng cái mới là không theo một khuôn mẫu định sẵn. Bộ không ban hành bộ khuôn mẫu cho từng thôn, bản, làng của toàn quốc mà chuyển giao cho chính quyền địa phương bởi văn hóa của từng vùng miền có những nét riêng biệt, sự thống nhất trong đa dạng mới là cơ bản...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh, vấn đề phát triển nghệ thuật không chỉ hướng đến nghệ thuật tinh hoa, đỉnh cao mà còn phải hết sức chú ý đến nghệ thuật quần chúng. Từ những phong trào nghệ thuật quần chúng phát hiện tạo ra nghệ thuật tinh hoa; các hội diễn, liên hoan không chỉ là kỳ cuộc dành cho văn nghệ sỹ chuyên nghiệp. Các sân chơi dành cho văn nghệ quần chúng là đa dạng, phong phú các sáng tạo bởi nhân dân chính là chủ thể sáng tạo văn hóa...
Bộ phải chăm lo đội ngũ làm công tác văn hóa, bởi có cán bộ mới có phong trào, mới tổ chức vận hành được các nội dung, ngoài sắp xếp bộ máy, phải quản lý nhà nước đồng hành với các cơ quan khác.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng trong thời gian tới cũng phải nỗ lực để có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, bắt đầu từ chất liệu của cuộc sống, muốn thế phải đưa văn nghệ sỹ "tắm mình" trong thực tế sinh động của đất nước, kinh tế, văn hóa, tạo ra không gian sáng tạo cho tất cả các văn nghệ sỹ. Năm 2022, cố gắng tổ chức Trại sáng tác quy mô toàn quốc, có chiều sâu, đủ độ dài cho đội ngũ văn nghệ sỹ sáng tác...
Tại buổi gặp mặt, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ VHTTDL đối với đội ngũ các văn nghệ sĩ và chia sẻ: Đội ngũ văn nghệ sỹ cũng đã có những đóng góp vào công cuộc chấn hưng văn hóa như lời Tổng Bí thư đã nói trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Lực lượng nền tảng đóng góp cho sự phát triển của nền văn nghệ Việt Nam chính là những người xây dựng Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Giữa 2 bên có sự phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả, tổ chức nhiều hoạt động liên hoan, hội diễn, Festival trong nước, quốc tế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật với hàng loạt cơ sở sáng tác toàn quốc đã giúp đội ngũ văn nghệ sỹ Trung ương và 63 tỉnh, thành phố hàng năm có điều kiện tốt nhất sáng tác, chính từ cơ sở này đã ra đời nhiều tác phẩm chất lượng ở các thể loại... Trong thời gian tới, các văn nghệ sỹ toàn quốc sẽ nỗ lực đóng góp vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn học nghệ thuật hướng tới 100 năm ngày thành lập Đảng và 90 năm thành lập nước, đề xuất Chính phủ xây dựng Luật Văn học nghệ thuật…/.