(Tổ Quốc) - Về lao động bất hợp pháp, lao động bỏ trốn, người đứng đầu Bộ LĐTBXH cho hay, việc này chủ yếu xảy ra ở địa bàn Hàn Quốc. Thời điểm cao nhất là 55% (2016).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (15/8), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết, số lượng đi lao động nước ngoài tăng nhanh. Cụ thể, 2017 là 127.000 lao động, 2018 là 140.000 lao động.
Về địa bàn, ngoài những địa bàn truyền thống trước đây thì thời gian gần đây cũng đã mở rộng thêm một số địa bàn tiềm năng, hiệu quả như Úc, Đức, Rumani và gần đây là nối lại với địa bàn Séc sau một thời gian gián đoạn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt nhấn mạnh, về lĩnh vực thì xuất khẩu lao động đã đi vào những lĩnh vực thuận lợi hơn, phù hợp với phát triển của đất nước, nhằm tạo điều kiện để các lao động sau này hết thời gian lao động có thể quay trở lại phục vụ đất nước.
"Chúng ta thấy rằng, việc đưa người lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài đã chuyển từ xu thế thụ động nay về cơ bản đã chủ động hơn", Bộ trưởng nói.
Trả lời câu hỏi về việc liệu thời gian gần đây có còn tình trạng môi giới lao động không? - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, thời gian vừa qua Bộ LĐTBXH đã xiết rất chặt việc này. Hiện có khoảng 350 doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực này và thực hiện rất tốt các quy định. Về quy định số tiền, có những địa bàn yêu cầu số tiền cao hơn các nước khác. Điều này, theo Bộ trưởng Dung, một số các nước doanh nghiệp chỉ làm môi giới lao động, đưa người lao động đi nước ngoài lao động xong là hết trách nhiệm. Còn các doanh nghiệp Việt Nam có trách nhiệm với việc đưa lao động Việt Nam đi lao động tại nước ngoài, thậm chí còn tham gia xử lý các sự việc liên quan đến người lao động nếu chẳng may có sự việc xảy ra.
"Việc quy định mức tiền căn cứ vào quy định của pháp luật Việt Nam và căn cứ vào quy định của hai nước với nhau....", Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.
Về lao động bất hợp pháp, lao động bỏ trốn, người đứng đầu Bộ LĐTBXH cho hay, việc này chủ yếu xảy ra ở địa bàn Hàn Quốc. Thời điểm cao nhất là 55% (2016).
Trước sự việc này, Bộ cũng đã phối hợp tiến hành rất nhiều biện pháp, gồm xử lý các doanh nghiệp hai bên.
"Đây là lỗi của hai bên, cả của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp phía bạn. Thậm chí doanh nghiệp bạn còn đào hầm cho người lao động trốn ở lại. Tuy nhiên, sau khi xử lý quyết liệt thì hiện nay tình trạng này giảm còn 33%".
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào tháng 6/2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tình trạng cò mồi trong xuất khẩu lao động vẫn diễn ra, và Bộ vẫn đang chấn chỉnh vấn đề này. Bộ cùng với Thường trực Chính phủ đã đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh. Yêu cầu doanh nghiệp khi đi tìm kiếm người lao động tại địa phương phải công khai mức thu phí của từng địa bàn (môi giới bao nhiêu, lệ phí như thế nào, người lao động phải đóng góp bao nhiêu…?