(Tổ Quốc) - Sau phiên chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh các vấn đề về lĩnh vực dân tộc, sáng nay (7/6), Quốc hội đã tiến hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
- 07.06.2023 Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển
- 06.06.2023 Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL để xây dựng Chương trình MTQG về phát triển Văn hóa
- 06.06.2023 ĐBQH đề nghị xem xét thấu đáo việc đào tạo, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật
Tính toán cụ thể có bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó
Chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đề nghị bộ trưởng cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực? Đâu là điểm kích nổ về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mặc dù kinh tế hết sức khó khăn nhưng Chính phủ cũng kiến nghị và Quốc hội đã bố trí kinh phí cho ngành khoa học công nghệ với tỉ lệ là 0,64% GDP (kinh phí dành riêng cho hoạt động sự nghiệp khoa học công nghệ).
Nhận thấy câu trả lời này của bộ trưởng chưa đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân nên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đại biểu không hỏi bố trí bao nhiêu tiền mà hỏi có bao nhiêu đề tài đã đưa vào sử dụng, có bao nhiêu đề tài đã ứng dụng được?
“Tức là kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng. Có bao nhiêu đề tài đang để ở trong ngăn kéo? Giải pháp để bứt phá về khoa học công nghệ, nhất là giải pháp quản lý Nhà nước thế nào?” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tiếp tục trả lời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết hoạt động khoa học công nghệ có tính đặc thù, đi tìm những cái mới nên có thể thành công, có thể không thành công, có thể thành công sớm hoặc có thể thành công muộn. Do đó, việc tính toán cụ thể có bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định.
Theo Bộ trưởng, điều quan trọng là làm sao chúng ta xác định được những kết quả đó phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà nghiên cứu khoa học.
Vừa qua có thể thấy kết quả nghiên cứu góp phần nâng xếp hạng của các trường đại học của nước ta ở trong khu vực và quốc tế. Đã có 9 trường đại học của nước ta xuất hiện trên bản đồ xếp hạng của thế giới.
Sắp lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho biết, Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ chủ trương thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM. Chính phủ đã có nghị quyết về thực hiện chủ trương này, nhưng qua 4 năm, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Đà Nẵng chưa ra đời.
Đại biểu Trần Chí Cường đề nghị Bộ trưởng nêu rõ nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này là gì?.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết cơ quan chức năng đã xây dựng, hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.
Dự kiến trong tháng 6, đầu tháng 7 Bộ sẽ ban hành quy định thành lập các trung tâm này nhằm khai thác nguồn lực ở địa phương dành cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hướng tới các mô hình thử nghiệm chính sách như sandbox trong lĩnh vực mới chưa có quy định; chọn lựa, khai thác đội ngũ chuyên gia quốc gia, quốc tế để tư vấn cho địa phương định vị và thiết kế mô hình cụ thể.
Bộ sẽ có quyết định thành lập các trung tâm này, trước mắt thuộc một Cục của Bộ Khoa học và Công nghệ. "Chúng tôi sẽ đưa các trung tâm vào hoạt động theo quyết định của Thủ tướng", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu thực tế để phát triển thị trường khoa học công nghệ, từ năm 2011 đến nay, Bộ máy quản lý nhà nước về khoa học công nghệ được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, nhiều chính sách đã ban hành song thị trường khoa học công nghệ còn hạn chế.
"Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển và giải pháp căn cơ là gì?", đại biểu chất vấn.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đã ban hành nhiều quy định, thông tư thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ và mang lại nhiều kết quả, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào các ngành y tế, viễn thông, giao thông vận tải. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi ứng dụng.
Dù vậy, có một số chính sách chưa phát huy tác dụng, tiếp cận doanh nghiệp khó, dịch vụ đi kèm chưa hiệu quả, ngân sách hạn hẹp. Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn, đặc biệt thúc đẩy chương trình tìm kiếm chuyển giao làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam./.