• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH đề nghị xem xét thấu đáo việc đào tạo, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật

Thời sự 06/06/2023 15:35

(Tổ Quốc) - Ngày 6/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) đồng tình với việc thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, qua quá trình đi giám sát, có nhiều ý kiến của cử tri cho rằng việc sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương còn nhiều khiên cưỡng và mang tính cơ học, còn chưa tính đến yếu tố đặc thù của ngành nghề đào tạo, đặc biệt là các lĩnh vực nghệ thuật.

ĐBQH đề nghị xem xét thấu đáo việc đào tạo, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Theo đại biểu, hiện nay nhiều địa phương thực hiện sáp nhập các trường đào tạo nghệ thuật với các trường đào tạo về kỹ thuật, dẫn đến nhiều bất cập trong tuyển sinh, đào tạo và thực hành.

Cụ thể, khi tuyển sinh thì các trường này chỉ tập trung vào các ngành nghề có thể tuyển sinh được mà bỏ rơi đối với các ngành nghề nghệ thuật, không đầu tư cho cơ sở vật chất, cơ sở thực hành đối với các lĩnh vực này, ngoài ra vấn đề về sử dụng đội ngũ nhà giáo đào tạo, bồi dưỡng chế độ, chính sách đặc thù của nhà giáo giảng dạy lĩnh vực này được thực hiện còn nhiều bất cập, dẫn đến bức xúc của đội ngũ nhà giáo.

Đại biểu cho rằng, những vấn đề nêu trên dẫn đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ văn, nghệ sĩ đã khó nay càng khó khăn hơn, thậm chí có thể còn dẫn đến triệt tiêu một số ngành nghề đào tạo không thể tuyển sinh được.

"Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét thấu đáo lại vấn đề này, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá lại hiệu quả việc thực hiện sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian vừa qua, cần tính toán đến yếu tố đặc thù của các ngành nghề đào tạo gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật trong thời gian tới", đại biểu nói, và đề nghị cần có giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để phát triển ngành văn hóa.

ĐBQH đề nghị xem xét thấu đáo việc đào tạo, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngành văn hóa nghệ thuật - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn sáng 6/6

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, không chỉ riêng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thời gian qua khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương cũng đã sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Việc thực hiện sắp xếp lại cơ bản được thực hiện đúng, tuy nhiên cá biệt có một số trường hợp còn khiên cưỡng.

Bộ trưởng nêu ví dụ, có trường hợp ngành y lại xếp chung trường với ngành công nghiệp cơ khí, hoặc văn hóa nghệ thuật ghép chung với các trường khác, để đảm bảo tiêu chí giảm đầu mối cao đẳng nghề tại địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, với những ngành nghề có tính chất đặc thù, chuyên biệt, chẳng hạn như y tế, văn hóa, nghệ thuật, cần bố trí cho phù hợp.

Theo Nghị quyết số 19, chỉ sắp xếp đối với các trường khi có 3 năm liền hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian qua, việc giảm đầu mối đã xuất hiện một số bất cập.

Ông Đào Ngọc Dung cho rằng, việc sắp xếp các trường trung cấp ở địa phương do địa phương quyết định, nên đề nghị các địa phương xem xét, rà soát vấn đề này để có giải pháp, quyết định phù hợp. Còn riêng trường cao đẳng thì địa phương hiệp y trao đổi với Bộ, Bộ sẽ có tiếng nói và can thiệp cụ thể.

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ