• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Kế hoạch, Đầu tư: Bất động sản đã hạ nhiệt

Kinh tế 02/07/2018 11:06

(Tổ Quốc)-Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ sáng 2/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch, Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những vấn đề cần được quan tâm chỉ đạo về kinh tế, xã hội trong 6 tháng cuối năm.

Theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả

Theo đó, dự báo từ đầu năm cho hay, mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của Quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của Quý II và 7,08% của 6 tháng.

Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào Quý III và 6,36% vào Quý IV.

“Lý do là các quý cuối năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng rất cao, nên tăng trưởng các Quý cuối năm 2018 nếu đạt trên 6% là rất tích cực. Một số tổ chức quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 ở mức khá, ví dụ như Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo đạt khoảng 6,6% và là mức tăng tốt nếu so sánh với các nước trong khu vực”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Một khu bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa.

Nhân tố cho động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2017 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với sự đóng góp mang tính đột phá của Samsung và Formosa trong 2 quý cuối năm.

Theo Bộ trưởng, trong năm 2018, Nhà máy Formosa đã đưa lò cao số 2 vào hoạt động trong quý II, như vậy yếu tố đột phá của các quý cuối năm 2018 là chưa rõ ràng. “Nếu dự án lọc dầu Nghi Sơn kịp đưa vào hoạt động, dự kiến có thể có động lực đột phá. Do vậy, cần tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn đi vào hoạt động”- Bộ trưởng nhận định.

Về vấn đề lạm phát, cần theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, tiếp tục triển khai mạnh mẽ kịch bản điều hành giá theo hướng thận trọng; thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, điều hành chủ động giá các mặt hàng do Nhà nước định giá, không tăng giá điện, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép và vào thời điểm phù hợp.

Thu hút FDI: Không chạy theo số lượng

Về đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng cho hay, dự báo từ đầu năm đã không giữ được mô hình truyền thống, hiện nay, tốc tăng vốn giải ngân cao hơn tốc độ tăng vốn đăng ký. Nguyên nhân là do lượng vốn đăng ký các năm trước rất cao và đến thời kỳ nhà đầu tư thực hiện theo cam kết. Đồng thời, vốn đăng ký năm 2017 là rất cao, nên khi so sánh, tốc độ tăng vốn đăng ký năm nay có xu hướng giảm.

“Việc giảm như vậy sẽ ảnh hưởng đến tốc độ thực hiện vốn FDI ở các năm sau. Nhân đà này, kết hợp với việc tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, cần có sự điều chỉnh về chiến lược thu hút FDI, không chạy theo số lượng, tập trung thu hút các dự án lớn, có chất lượng, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa lớn, công nghệ tiên tiến...”- Bộ trưởng nói.

Liên quan đến một số ý kiến cảnh báo về khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm, Bộ trưởng cho hay, tình hình tài chính, tiền tệ của nước ta hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát và được điều hành linh hoạt; thị trường bất động sản đã có sự hạ nhiệt sau khi Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt đối với các giao dịch nhà đất không đúng quy định, nhất là tại các khu vực dự kiến thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt, tín dụng cho bất động sản được kiểm soát hiệu quả...

“Những tín hiệu trên cho thấy ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ, nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ các tín hiệu để sớm có giải pháp ứng phó kịp thời”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ