(Tổ Quốc) - Sáng 7/6, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về lĩnh vực của ngành.
Bỏ quy định nhà khoa học là chủ nhiệm có nghiệm thu không đạt không được tham gia nhiệm vụ trong 2 năm
Đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược về phát triển khoa học công nghệ, trong đó đề cập vai trò tham gia tích cực của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học còn băn khoăn về những cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học…Đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp cho vấn đề này?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang tiến hành sửa các thông tư quy định về quản lý các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ một cách đồng loạt để đảm bảo các thông tư có tính liên thông, đồng bộ với nhau. Hiện nay, các thông tư cơ bản đã được hoàn thành. Vừa qua, Bộ đã ban hành 5 thông tư mới, đồng bộ với việc tái cơ cấu các chương trình khoa học, công nghệ quốc gia.
Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã bãi bỏ quy định các nhà khoa học là chủ nhiệm có nghiệm thu không đạt thì không được tiếp tục tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ trong 2 năm tiếp theo. Điều này thể hiện bộ rất quan tâm đến tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của ngành khoa học công nghệ để có những quy định tiến bộ, phù hợp.
Nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ "Khoa học là con đường ngắn nhất đi đến thịnh vượng", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ hết sức cố gắng để động viên các nhà khoa học tham gia một cách tích cực vào các hoạt động thiên chức của mình là nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng cũng kiến nghị các cấp chính quyền tin tưởng, giao nhiều trọng trách, nhiệm vụ, cơ chế hơn nữa cho các nhà khoa học một cách thỏa đáng để lực lượng này phát huy được năng lực, đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 27 để đơn giản hóa các thủ tục mua sắm, thanh toán để giảm bớt hồ sơ, thủ tục thanh toán, để khoán chi đúng nghĩa đến sản phẩm sau cùng, tránh tình trạng hồ sơ thanh toán nhiều hơn hồ sơ khoa học.
Bộ trưởng nhấn mạnh đến tính đặc thù về kinh tế, tài chính của lĩnh vực khoa học, công nghệ, bởi nghiên cứu khoa học không thể tính toán định lượng chính xác như các hoạt động lao động sản xuất khác. Vì vậy, rất khó để xây dựng định mức, tính toán hiệu quả, lợi nhuận.
Chậm trễ xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa
Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) cho rằng, mấy năm gần đây, người dân và doanh nghiệp bức xúc, than phiền về tình trạng xử lý, giải quyết đơn đăng ký bảo hộ quyền sử công nghiệp tồn đọng, rất chậm trễ và kéo dài, đặc biệt là đối với đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, thậm chí sẽ dẫn đến những tranh chấp về thương mại.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thừa nhận đơn về nhãn hiệu và sáng chế còn tồn đọng rất nhiều. Một trong những nguyên nhân là do lĩnh vực này ở Việt Nam còn khá mới so với các nước có lịch sử lâu đời.
Bên cạnh đó, khả năng đầu tư cho lĩnh vực này còn chưa tương xứng, chủ yếu do thủ tục, quy trình tiếp cận, cũng như việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, đào tạo nhân lực còn hạn chế, dẫn tới tồn đọng đơn đăng ký quyền bảo hộ ngày càng nhiều.
Bộ trưởng cho biết, hiện đang tập trung xử lý số đơn còn sót lại. Thời gian tới sẽ cố gắng khắc phục tình trạng này. 2 giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số kết hợp điều chỉnh quy trình nhận đơn - xét chọn; và tăng cường tuyển dụng, đào tạo đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên, phải đến năm 2025-2026 mới giải quyết được hết số đơn còn tồn đọng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nêu vấn đề, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực cho khoa học công nghệ, tuy nhiên, vấn đề sử dụng nguồn lực này như thế nào?.
“Trong giai đoạn 2016-2021, tổng kinh phí dành cho nghiên cứu chỉ khoảng 13%. Có nghĩa là khoản đầu tư cho các đề tài khoa học thì 100 đồng chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu; còn lại là cho bộ máy, chi thường xuyên…Với trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học công nghệ đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ như thế nào? - đại biểu Nguyễn Công Long đặt câu hỏi.
Về nội dung này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tính đặc thù về tài chính của lĩnh vực khoa học công nghệ. Theo Bộ trưởng, nghiên cứu khoa học không thể tính toán một cách định lượng chính xác như các hoạt động sản xuất khác. Rất khó để chúng ta xây dựng các định mức cũng như tính toán hiệu quả, lợi nhuận.
"Trong quá trình xây dựng thuyết minh, quá trình quản lý đề tài, ngay cả việc nghiệm thu đề tài, việc xác định lợi nhuận, hiệu quả kinh tế nó phải ở trong tương lai”, Bộ trưởng cho biết.