(Tổ Quốc) - Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, ở giai đoạn nhất định nào đó chính sách tiền lương đã bị chồng chéo, bất cập và luôn cần được hoàn thiện. Thế nên, đề án cải cách chính sách tiền lương được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị TƯ 7 lần này mang tính cơ bản, toàn diện.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đề án cải cách chính sách tiền lương có nhiều điểm mới trong chế độ lương, phụ cấp đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Thay vì 7 bảng lương như hiện tại, hệ thống bảng lương mới sẽ rút gọn chỉ còn 5 bảng lương, gồm: 2 bảng lương cho công chức, viên chức và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói về đề án cải cách chính sách tiền lương đưa ra tại Hội nghị TƯ 7. Ảnh: Minh Khánh. |
“Đề án làm thế nào mà phải thực hiện được 5 quan điểm về cải cách tiền lương, ví như phải là nguồn thu nhập chính của người hưởng lương, phải gắn với sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế… Mọi cái đều phải rất tổng thể.”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trước những quan điểm cho rằng, cải cách chính sách tiền lương đáng lẽ phải làm sớm hơn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu quan điểm, trong điều kiện hiện nay thì bàn về đề án cải cách chính sách tiền lương là cần thiết, vì nó gắn với khả năng tăng năng suất lao động. Nếu chúng ta không có năng suất lao động trong sản xuất kinh doanh thì chúng ta sẽ tụt hậu. Vậy thì phải có những chính sách khích lệ, đáp ứng yêu cầu để động viên năng suất lao động, thay đổi trong quản trị, thay đổi tư duy… Có như vậy thì mọi việc sẽ tốt.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, không nên đổ hết cho chính sách rằng lương không đủ sống. Dù vậy, cũng cần phải nói rằng ở giai đoạn nhất định nào đó thì chính sách này có khi bị chồng chéo, bất cập và chúng ta cần luôn luôn phải hoàn thiện.
“Ở đây chúng ta thấy có sự buông lỏng ngay ở người được giao vị trí trách nhiệm quản lý vốn nhà nước, quản trị doanh nghiệp, bí thư, người đứng đầu cấp ủy của tập đoàn, công ty…của đơn vị chứ cũng không nên đổ hết cho chính sách. Chúng ta vận dụng gì thì cũng phải bám vào luật.
Có thể nói, đề án lần này là một cải cách toàn diện, một cái nhìn tổng thể. Các đối tượng trong xã hội đều được quan tâm. Ngay cả vấn đề liên quan đến đề án bảo hiểm cũng vậy. Cùng với vấn đề NQ TW6, vấn đề NQ 18, sắp xếp bộ máy trong hệ thống chính trị và tinh giản biên chế… mọi vấn đề đều được xem xét cụ thể.”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhận định với báo giới rằng, trong đề án cải cách chính sách tiền lương lần này, việc xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm sẽ tốt hơn, tạo động lực hơn cách trả lương bình quân. Tuy nhiên, muốn làm được việc này phải có nghiên cứu độc lập, khách quan, từ các nhà khoa học, nhà quản lý kinh nghiệm lâu năm.
“Trên thực tế cán bộ công chức là người quyết định chính sách pháp luật quốc gia, là người kiểm soát xã hội, là người thực thi công vụ nhưng lại được trả lương thấp nhất trong hệ thống. Cứ động viên, khuyên bảo thì không phải, thực sự đây là động lực, công cụ kiểm soát việc thực hiện năng lực, chức trách có đúng hay không. Và họ có quyền được hưởng những đóng góp, đầu ra, sản phẩm của họ”, ông Phúc chia sẻ quan điểm.
Trong khi đó, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) – ông Lê Đình Quảng chia sẻ với Lao động rằng, cải cách tiền lương phải xuất phát từ thực trạng tiền lương, đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, người lao động thì cơ cấu tiền lương cần được sửa lại mức lương cơ bản chiếm 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% và tiền thưởng khoảng 10%.
Trên thực tế hiện nay mức phụ cấp chiếm khoảng 40%. Do vậy, xây dựng ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm chức danh và chức vụ lãnh đạo mức lương mới đảm bảo không thấp hơn mức tiền lương hiện hưởng, cắt các phụ cấp thì phải nâng lương./.
Hà Giang