(Tổ Quốc) - Nêu vấn đề Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh, văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, xã hội, ĐBQH Bùi Hoài Sơn đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư: “Liệu chúng ta có thể thêm chữ văn hóa vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, thêm chữ văn hóa và đánh giá tác động xã hội hay không?
Sáng nay (12/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Không phải không có chữ văn hóa mà không quan tâm đến phát triển văn hóa
Phát biểu chất vấn, ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (ĐBQH đoàn TP Hà Nội) cho biết, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng vai trò của văn hóa. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa".
Cũng theo ĐB Bùi Hoài Sơn, Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh, văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, xã hội. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ có các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, không hề có chữ văn hóa. Đáng giá tác động xã hội cũng không hề có chữ văn hóa.
"Tôi hiểu, khái niệm xã hội ở trong các văn bản này đã bao hàm văn hóa. Nhưng thực tế, khi không có chữ văn hóa thì văn hóa cũng thường xuyên bị bỏ quên, có cũng được, không có cũng được, có thì chỉ cần một hai ý, một hai dòng cũng được" - ĐB Sơn nêu vấn đề, đồng thời gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Liệu chúng ta có thể thêm chữ văn hóa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, thêm chữ văn hóa và đánh giá tác động xã hội hay không để văn hóa thực sự được đánh giá đúng, trúng và rõ ràng hơn?".
Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Hoài Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tại Đại hội Đảng khóa XIII, khi xây dựng các Nghị quyết đã bàn rất nhiều về vấn đề này. Chúng ta không thể thêm từ văn hóa vào cụm từ "phát triển kinh tế, xã hội". Bởi, nếu nói đến cụm từ văn hóa thì chúng ta cũng phải nói đến cả y tế, đối ngoại, quốc phòng an ninh… rất nhiều các lĩnh vực khác nữa.
"Cụm từ kinh tế, xã hội là đã bao hàm cả văn hóa trong đó rồi" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Dũng, phát triển văn hóa thế nào thì đã có chính sách, chủ trương, quy định riêng. Không phải không có chữ văn hóa mà chúng ta không quan tâm, không nói đến phát triển văn hóa.
Có thể phát hành trái phiếu để huy động 180.000 tỷ trong dân
Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, tham gia giải trình một số câu hỏi về chính sách tài khóa trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng sẽ áp dụng linh hoạt các chính sách về thuế, thu chi ngân sách đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Về chính sách thuế, Bộ trưởng Tài chính đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục áp dụng giãn, hoãn thuế, phí, giảm thuế đối với giá xăng dầu lĩnh vực hàng không. Ngoài ra, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế các hộ sản xuất kinh doanh; giãn khoản thuế cho hộ, doanh nghiệp chậm nộp khi làm ăn thua lỗ.
Bày tỏ ủng hộ các gói kích cầu, tuy nhiên, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, các gói này phải phát huy hiệu quả để tăng thu ngân sách mà không tăng bội chi ngân sách. Về thực hiện các gói kích cầu, nếu bỏ ra mỗi năm 20.000 tỷ, hai năm 2022-2023 là 40.000 tỷ, với lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 4% thì huy động được khoảng 1 triệu tỷ bỏ vào nền kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, đã tính đến việc huy động nguồn lực cho chương trình phục hồi kinh tế. Trong đó có việc phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động tiền trong dân với số tiền khoảng 180.000 tỷ trong 2 năm.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý khi nền kinh tế có nguồn tiền rồi, liệu có hấp thụ được tốt không và hấp thụ ở những lĩnh vực nào. Từ đó, ông cho rằng nên tập trung vào các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm, những lĩnh vực kinh tế tạo đột phá để tăng trưởng.
Về chi ngân sách, ông Hồ Đức Phớc cho rằng trước mắt cần tiết kiệm chi thường xuyên mà chuyển sang chi đầu tư phát triển. Ông cho biết, hiện đã cắt giảm được 10% chi thường xuyên, thời gian tới Bộ đề nghị cắt giảm tiếp 10% nữa để đầu tư và chống dịch./.