• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Nguyên nhân không nằm ở luật pháp mà do khâu tổ chức thực hiện

Kinh tế 11/11/2021 18:56

(Tổ Quốc) - Chiều nay (11/11), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Tham gia chất vấn Bộ trưởng, nhiều ĐB bày tỏ quan tâm đến vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Bộ trưởng nhận một phần trách nhiệm, ĐBQH vẫn chưa hài lòng - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Vì sao đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp?

ĐB Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) và ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đều cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối tháng 10/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch. Từ đó các ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Trước khi Bộ trưởng trả lời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu "phải xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi và chúng ta phải đột phá ở đâu".

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Bộ trưởng nhận một phần trách nhiệm, ĐBQH vẫn chưa hài lòng - Ảnh 2.

ĐB Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang).

Dẫn lại số liệu trong năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục 98%. 10 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư chưa được 50%, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, cùng môi trường thể chế như nhau nhưng sao đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp?.

Nói về con số 16.000 tỷ đồng của ba chương trình mục tiêu quốc gia, theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay vẫn chưa phân bổ được một đồng nào, 86.000 tỷ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ.

"Nếu chúng ta không làm rõ, dù Quốc hội chất vấn xong, có Nghị quyết, thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Trách nhiệm ở đâu phải làm rõ, tình hình kiểm tra giám sát giải quyết thế nào, không thể nói chung chung là vướng mắc", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các cấp, các bộ, các ngành phải làm rõ câu chuyện này.

Nguyên nhân không nằm ở luật pháp mà do khâu tổ chức thực hiện?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân việc chậm giải ngân không nằm ở luật pháp mà chủ yếu ở khâu thực hiện. Bởi, toàn bộ vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A, B, C đều đã phân cấp địa phương; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; điều chỉnh chủ trương đầu tư đều đã phân cấp cho địa phương.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Bộ trưởng nhận một phần trách nhiệm, ĐBQH vẫn chưa hài lòng - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Bộ chỉ còn ba chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; đảm bảo chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều hành hàng năm.

"Vấn đề đầu tư công đến nay rất rõ ràng và đầy đủ, trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương, không còn vấn đề gì lên đến Trung ương. Chúng tôi quản lý chung cũng bằng hệ thống công nghệ thông tin, không cần gặp nhau hay giấy tờ".- ông Dũng nói.

Để dẫn chứng cho nguyên nhân "nằm ở khâu tổ chức thực hiện", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhắc lại lời Chủ tịch Quốc hội, đó là tại sao cùng một thể chế mà có địa phương đã giải ngân 100% vốn, thậm chí còn vượt số được giao, ứng tiền ra trước để làm, mà có tỉnh chỉ giải ngân được 18%?

Một nguyên nhân khác, theo Bộ trưởng là do các địa phương, bộ ngành "thờ ơ" hoặc chưa làm hết trách nhiệm, lập kế hoạch không sát, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được.

"Bộ cũng có một phần trách nhiệm, như nể nang, không hết trách nhiệm, chỉ tổng hợp rồi đưa lên con số không sát thực tiễn, con số lớn nên gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân. Do không sát thực tiễn nên dẫn đến phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, đầu tư không hiệu quả. Chúng tôi xin hứa khắc phục vấn đề này thời gian tới" - Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận.

Nói chậm giải ngân vốn đầu tư công do địa phương thì tội cho địa phương

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã dành quyền tranh luận và cho rằng, nếu nói chậm giải ngân vốn đầu tư công do địa phương thì tội cho địa phương.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Bộ trưởng nhận một phần trách nhiệm, ĐBQH vẫn chưa hài lòng - Ảnh 4.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

"Các dự án nhóm A trọng điểm quốc gia do bộ, ngành trung ương thẩm định. Nếu có địa phương chậm thì đó là nơi nào, phải chỉ rõ để xử lý, bộ ngành trung ương thẩm định nhóm dự án A chậm thì ai chịu trách nhiệm cũng phải làm rõ" - ông Hòa đề nghị.

Theo vị ĐB đoàn Đồng Tháp, việc giao vốn và ghi dự án song song là bất cập. Dự án chưa phê duyệt xong, thậm chí mới thẩm định sơ bộ, chưa thẩm định chính thức thì đã kèm theo vốn. Dự án chưa xong thì không thể giải ngân. Bất cập này cần điều chỉnh.

Trả lời ĐB Hòa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các dự án nhóm A do địa phương thẩm định.

"Chúng tôi luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào. Còn quy trình thủ tục gồm nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan để tổng hợp lại có thể chậm, chúng tôi rút kinh nghiệm và cố gắng cao nhất", ông Dũng nói./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ