• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Văn hóa mạng là câu chuyện rất rộng và rất nhiều việc phải làm

Thời sự 04/11/2022 15:30

(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 4, sáng 4/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng là "Tư lệnh" ngành thứ 2 tham gia trả lời chất vấn các ĐBQH.

Văn hóa mạng là câu chuyện rất rộng

Quan tâm đến vấn đề văn hóa trên không gian mạng có tác động cả tiêu cực và tích cực, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn ĐBQH Quảng Bình) cho rằng, nhìn từ góc độ giáo dục thì tác động nguy hại có chiều hướng ngày càng gia tăng, len lỏi vào nhà trường gây ra lối sống ảo, thực dụng, ích kỷ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Văn hóa mạng là câu chuyện rất rộng và rất nhiều việc phải làm - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn ĐBQH Quảng Bình)

Đại biểu đặt câu hỏi, Bộ trưởng có quan tâm đến vấn đề này không và giải pháp xây dựng văn hóa mạng- giải pháp mà nhiều nước trên thế giới đang triển khai để giải quyết vấn đề này?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, không gian mạng là một môi trường sống mới thì chắc chắn phải có văn hóa số. Tuy nhiên, ở đây nhiều thứ rất khác, trong đời thực mình nói một câu rất to thì cũng chỉ mấy người đứng xung quanh mình nghe thấy, nhưng nếu viết một tin trên mạng xã hội là 1 triệu người nhìn thấy.

Theo Bộ trưởng, xây dựng văn hóa số thì đầu tiên là xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số. Theo đó, Bộ đã ban bố một bộ quy tắc mẫu để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức căn cứ vào quy tắc mẫu để ban hành quy chế ứng xử mô hình số cho mình.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Văn hóa mạng là câu chuyện rất rộng và rất nhiều việc phải làm - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng

"Sang năm tiếp theo, Bộ sẽ đánh giá sơ kết việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử và bộ mẫu này. Tôi nghĩ rằng căn cơ thì nên đi 2 chân, một bên là dùng luật pháp, mình gọi là pháp trị, một bên là đức trị liên quan đến văn hóa giáo dục" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Giành quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng những giải pháp Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra chưa đầy đủ và đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cần quan tâm hơn, phải coi việc xây dựng văn hóa tốt, văn minh là một công việc rất quan trọng, cần làm tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, đến nơi đến chốn hơn.

"Bộ trưởng đề cập đến một bộ quy tắc ứng xử sẽ gửi các bộ, ngành để xây dựng cụ thể và triển khai, đây là việc làm tốt nhưng chưa đủ vì người gây rối, người chọc ngoáy, người gây kích động những điều thiếu văn hóa phần lớn không làm việc ở các bộ, ngành mà ở bên ngoài, thậm chí ở nước ngoài" - vị đại biểu này nhấn mạnh và đề nghị cần triển khai rộng hơn, mạnh hơn và có sự tham gia của các bộ, ngành khác, đặc biệt là Bộ Công an và toàn xã hội thì mới thành công được.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Văn hóa mạng là câu chuyện rất rộng và rất nhiều việc phải làm - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí tranh luận

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, câu chuyện văn hóa mạng là câu chuyện rất rộng và rất nhiều việc phải làm. Với Bộ Quy tắc ứng xử, ngoài cơ quan quản lý nhà nước thì các tổ chức khác có thể coi đây là một mẫu tham khảo để có thể xây dựng bộ quy tắc ứng xử của mình.

"Tôi rất đồng ý với đại biểu Nguyễn Anh Trí là chúng ta phải triển khai thật rộng rãi, nó phải ngấm vào từng gia đình, từng tế bào xã hội, từng người dân. Một trong những cách tốt nhất là dùng các nền tảng số để đào tạo kỹ năng cơ bản, đào tạo văn hóa và đưa vào trong nhà trường" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Không khí thì đầu độc phổi, thông tin xấu, độc thì đầu độc não

Trả lời chất vấn đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) về vấn đề lừa đảo qua mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề không chỉ riêng Việt Nam mà hầu hết các nước đều phải đối mặt. Gần đây có rất nhiều vụ lừa đảo sử dụng phương tiện thông tin trong đó có số điện thoại và thông qua các trang web để thực hiện hành vi lừa đảo.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Văn hóa mạng là câu chuyện rất rộng và rất nhiều việc phải làm - Ảnh 4.

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An)

Bộ trưởng chia sẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện các văn bản thể chế đã ban hành trong đó định nghĩa rõ hành vi và qui định các quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế chuyển cho cơ quan Công an xử lý hình sự. Bên cạnh đó là quan tâm xử lý vấn đề này một cách căn bản như công khai các đầu số điện thoại, cụ thể là số 5656 và các trang web để tiếp nhận phản ánh của người dân về các vấn đề vi phạm.

"Năm 2020 Bộ đã rà quét ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. Nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ có 3,1 triệu người truy cập vào các trang web này và xác suất bị lừa đảo là rất lớn. Bộ cũng đã tập trung xử lý sim rác - là phương tiện thực thi hoạt động lửa đảo" - Bộ trưởng thông tin.

Về vấn đề xử lý tin giả trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mức độ lan truyền trên mạng xã hội của tin giả rất nhanh. Để xử lý vấn nạn này, vừa qua Bộ đã trình Chính phủ nhằm nâng mức xử lý từ Thông tư lên Nghị định, trong đó qui định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, thời gian để các nhà mạng phải hạ thông tin trước là 48h giờ đã xuống 24h, các trường hợp đặc biệt yêu cầu gỡ sau 3 tiếng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Văn hóa mạng là câu chuyện rất rộng và rất nhiều việc phải làm - Ảnh 5.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) về việc xử lý thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, giờ thế giới thực ra sao thì lên không gian mạng sẽ như vậy. Vì thế giải pháp để xử lý vấn đề này chính là cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội, bộ, ngành, địa phương nào quản lý lĩnh vực nào thì tiếp tục quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng. Ngay từ các trường học hay “tế bào” của xã hội là các gia đình, ngoài đời quản lý con em mình thế nào thì cũng quản lý trên mạng xã hội như vậy.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, sự khác nhau giữa trên mạng và ngoài đời là ngoài đời thì quản lý theo hành chính, địa giới lãnh thổ; còn không gian mạng là đa quốc gia, không biên giới vì thế nếu chúng ta chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì chẳng khác gì khi thực hiện phòng chống Covid-19, chúng ta chỉ dừng ở việc đeo khẩu trang, cách ly, phong toả, không dùng vắc xin để tăng sức đề kháng. Vì thế, giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng trước các thông tin xấu độc.

Thứ hai, vị đại biểu đoàn Phú Yên cho rằng, chúng ta cũng cần cho công chúng đọc được nhiều thông tin đa chiều, thông tin phản biện, nhiều thông tin tích cực nhưng phải mang tính thuyết phục cao, phải khuyến khích các cơ quan báo đi thẳng vào vấn đề nóng với một thái độ trách nhiệm, không né tránh và không phải chỉ khen một chiều.

"Thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu để độc hại ngấm vào rồi uống giải độc thì chúng ta chắc chắn mãi mãi sẽ phải chạy theo, rất vất vả. Bộ trưởng nói giờ có những thông tin buộc phải gỡ sau 3 tiếng. Thực tế chỉ cần 5 – 10 phút thì thông tin xấu, độc không biết đã lan tỏa tới đâu rồi" - đại biểu Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ băn khoăn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần phải tăng sức đề kháng vì không gian mạng giống như không khí. Không khí thì đầu độc phổi còn thông tin xấu, độc thì đầu độc não.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Văn hóa mạng là câu chuyện rất rộng và rất nhiều việc phải làm - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng.

“Ngoài đời thực chúng ta quản lý thế nào thì quản lý trên mạng thế ấy, ví như lĩnh vực công thương quản lý về hàng hóa ngoài đời thực thì cũng quản lý hàng hóa trên không gian mạng; lĩnh vực văn hóa thì quản lý về thuần phong, mỹ tục trên không gian mạng. Làm cho không gian mạng lành mạnh là làm cho không khí lành mạnh", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, hiện Bộ đang đề xuất với Bộ GD&ĐT đưa nội dung đào tạo kỹ năng số cho học sinh, đồng thời cũng tạo lập nền tảng online để học tập, xây dựng kỹ năng cơ bản để học tập, làm việc, sử dụng không gian số. Đây cũng là các bước thực hiện để nâng cao sức đề kháng trước thông tin xấu độc.

Đồng thời, Bộ cũng đã vận hành hệ thống an toàn thông tin mạng quốc gia để chủ động rà soát những thông tin xấu độc và cùng với sự nỗ lực của toàn dân, toàn xã hội, hy vọng sẽ hạn chế được vấn nạn này.



Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ