• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Cần ưu tiên thị trường trọng điểm của Việt Nam

Du lịch 03/05/2017 21:48

(Tổ Quốc)-Ngày 3/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch về một số vấn đề liên quan đến những thị trường trọng điểm của Việt Nam, giải pháp chấn chỉnh tour giá rẻ (còn được gọi là tour “0 đồng”), chấn chỉnh trong lĩnh vực lữ hành…

Cần ưu tiên thị trường trọng điểm

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho biết, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng rất mạnh. Đặc biệt, thị trường 5 nước Tây Âu được miễn thị thực vào Việt Nam tăng trưởng tốt với việc đạt gần 333 ngàn lượt, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2016. Đối với thị trường xa, tỷ lệ tăng trưởng 15% là con số tăng trưởng cao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, các thị trường khách trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga… đang tạo động lực cho đà tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến của Việt Nam. Ngành Du lịch kỳ vọng đón 4 triệu khách Trung Quốc và Hàn Quốc trong năm 2017. Tuy nhiên, với thị trường Hàn Quốc ít chịu ảnh hưởng bởi biến động xã hội, số người dân đi du lịch nước ngoài đông, do vậy, cần nhiều chính sách ưu đãi hơn đối với thị trường này để duy trì sự tăng trưởng. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, cần có sự quan tâm thỏa đáng, chính sách ổn định, linh hoạt.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi làm việc

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay, trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức roadshow tại 4 thành phố mới, ít được quan tâm của Trung Quốc để đẩy mạnh thu hút khách từ thị trường này. Đồng thời, đề xuất Bộ VHTTDL kiến nghị với Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách miễn visa đơn phương cho 5 nước Tây Âu và Belarus.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, du lịch Việt Nam cần chú trọng ưu tiên những thị trường trọng điểm của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, các nước Tây Âu, Thái Lan, Campuchia… “Khi xây dựng kịch bản tăng trưởng, chúng ta phải lưu ý “đánh” vào những thị trường lớn, trọng điểm của Việt Nam, thị trường nhỏ thì vẫn làm bình thường. Trong chiến lược phát triển, chúng ta cần tham mưu cho Chính phủ làm sao để vừa quản lý được vừa giữ được thị trường trọng điểm” – Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp cho năm 2017 để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, trong đó thấp nhất là tăng trưởng 20%; trung bình khá là tăng trưởng 25% và cao là 30%. “Kịch bản tăng trưởng 25%, đạt 12,5 triệu lượt khách quốc tế là mục tiêu tương đối khả thi cho năm 2017” – Bộ trưởng nhận định.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần lưu ý chú trọng quan tâm thị trường du lịch trong nước. Đây là thị trường rất tiềm năng khi thời gian qua lượng khách nội địa tăng trưởng mạnh. Các điểm đến xuất hiện ngày càng nhiều, thu hút đông đảo khách đến.

Tour “0 đồng” cần phải được hiểu đúng bản chất là tour giá rẻ

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, Tổng cục Du lịch cần có giải pháp nâng cao nhận thức trong xã hội để hiểu đúng và phát ngôn đúng về tour “0 đồng”. Thực chất, tour “0 đồng” phải được gọi là tour giá rẻ khi giá tour rẻ hơn so với chi phí thực tế mà du khách phải bỏ ra. Với tour du lịch này, chủ yếu doanh nghiệp lữ hành phải chấp nhận chịu thiệt để đón khách, bù đắp vào mùa du lịch thấp điểm. Du khách đến vẫn phải trả tiền sử dụng dịch vụ khách sạn, dịch vụ ăn uống, trả phí tham quan, dịch vụ vận chuyển và các dịch vụ khác…., do vậy vẫn đem lại lợi ích cho xã hội. Việc tồn tại tour giá rẻ là điều tất yếu của thực tế khách quan và xu thế của thế giới. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch ngoài việc chấn chỉnh, quản lý tốt, cần tổ chức một cuộc tọa đàm nhỏ về tour “0 đồng” để xã hội hiểu đúng về vấn đề này.

Toàn cảnh buổi làm việc

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, công tác chấn chỉnh trong lĩnh vực lữ hành đã và đang được thực hiện ráo riết và nghiêm túc, tuy nhiên, cần quản lý như thế nào để khách vẫn đến. Điều quan trọng nhất là quyền lợi du khách phải được đảm bảo, không thể xảy ra tình trạng vì tour giá rẻ mà ép khách mua hàng, đồng thời chấn chỉnh tình trạng hướng dẫn viên (HDV) trái phép, HDV sử dụng thẻ giả.

Về tình trạng “bán tour, bán đoàn”, Bộ trưởng yêu cầu cần phải “trị tận gốc” mới chấn chỉnh được tình trạng này. Theo đó, doanh nghiệp nào của Việt Nam trực tiếp ký kết với doanh nghiệpnước ngoài về việc đón đoàn khách sẽ phải có trách nhiệm đối với khách vào Việt Nam. Đến khi khách rời Việt Nam mới hết trách nhiệm. Nếu du khách không được đảm bảo quyền lợi và xảy ra sự cố thì sẽ xử lý cả doanh nghiệp trực tiếp ký kết và doanh nghiệp nhận tiếp đón.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đã đề xuất 4 nhóm giải pháp để xử lý, chấn chỉnh tour “0 đồng” theo quan điểm của Bộ trưởng chỉ đạo nhằm giảm thiểu mặt tiêu cực của tour “0 đồng”, gắn với việc duy trì lượng khách đến. Đó là: Chủ động định hướng cho các địa phương có giải pháp mềm dẻo, linh hoạt để vừa quản lý tốt vừa giữ được thị trường khách Trung Quốc; Tập trung chấn chỉnh tình trạng khoán tour, lừa đảo ép khách mua hàng không đảm bảo chất lượng; Xử lý các cửa hàng khép kín, chỉ bán cho khách du lịch Trung Quốc; Xử lý tình trạng thiếu hướng dẫn viên theo cách linh hoạt…./.

 Lâm Minh - Minh Khánh

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ