(Tổ Quốc) - Phát biểu kết luận Hội nghị Tổng kết công tác VHTTDL năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 được tổ chức sáng 22/12 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 65 điểm cầu khắp cả nước, Ủy viên BCH Trưng ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cảm ơn những đánh giá tích cực của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành về kết quả ấn tượng của ngành trong năm vừa qua.
5 điểm sáng
Bộ trưởng cho biết, năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, toàn ngành đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là cụ thể hóa 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Điểm lại 5 điểm sáng của toàn ngành, Bộ trưởng cho biết, thứ nhất đó là toàn ngành đã thay đổi cơ bản trong tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Vì vậy mà ngành đã chủ động rà soát, phát hiện các điểm nghẽn về thể chế để kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Chỉ 1 năm, Quốc hội đã thông qua 2 bộ Luật, 6 Nghị định của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực của ngành.
"Chúng ta đã tham mưu đúng, trúng được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, cho phép tổ chức Hội thảo về thể chế, chính sách. Từ đó chỉ ra được những điểm nghẽn về thể chế, bộ luật cần thay đổi để khơi thông nguồn lực về văn hóa. Trong đó có việc ủng hộ Bộ về vấn đề xây dựng Chương trình MTQG về văn hóa. Đây là bước đi quan trọng, có tính chất then chốt, quyết định cho sự phát triển của văn hóa trong những năm tiếp theo" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, điểm sáng thứ hai đó là chúng ta đã tập trung xây dựng văn hóa một cách thực chất khi chọn xây dựng môi trưởng văn hóa cơ sở làm chủ đề công tác năm để tập trung thực hiện. Chúng ta vẫn chưa quên, sau Lễ phát động tại tỉnh Nghệ An, sức lan tỏa của vấn đề xây dựng môi trường văn hóa đã thấm sâu vào các bộ ngành, được các địa phương triển khai thực hiện. Tiêu biểu như: Ban Tuyên giáo Trung ương đã triển khai xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, Bộ Công Thương, Bộ VHTTDL đã xây dựng môi trường văn hóa doanh nhân trong doanh nghiệp…
"Riêng Bộ VHTTDL, chúng ta chọn việc khó hơn đó là xây dựng môi trường văn hóa ở địa bàn dân cư. Với cách làm quyết liệt đã xuất hiện nhiều địa phương triển khai hiệu quả như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An… Qua đó đã lan tỏa, tạo hiệu ứng, góp phần khắc phục vấn đề xuống cấp văn hóa" - Bộ trưởng chỉ rõ.
Điểm sáng thứ 3 mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu đó là toàn ngành đã nỗ lực tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao cấp vùng, cấp khu vực, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, nhân dân trong nước. Đó là SEA Games 31 thành công ở nhiều phương diện, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tiếp đó là các kỳ Liên hoan lớn của toàn ngành như Liên hoàn Đờn ca tài tử tại Cần Thơ; Liên hoan Chèo tại Hà Nam…, qua đó đã duy trì các hoạt động nghề nghiệp, tạo sức bật phát triển du lịch, kinh tế- xã hội cho các địa phương.
Điểm sáng thứ 4 đó là lĩnh vực Du lịch, theo Bộ trưởng dù chưa đạt được kết quả như mong đợi ở du lịch quốc tế nhưng du lịch nội địa đã vượt xa mục tiêu đặt ra. Năm 2022, Việt Nam đã đón 101 triệu lượt khách nội địa, 3,5 triệu lượt khách quốc tế,… đóng góp cho nền kinh tế 495.000 tỷ đồng.
Điểm sáng thứ 5 đó là, chúng ta đã quan tâm đến nhiều đối tượng đặc thù. Có thể thấy rằng, chúng ta đã quan tâm, hiểu sâu sắc hơn quan điểm của Đảng khi khẳng định văn hóa là lĩnh vực rộng, đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng, điều hành trực tiếp của Nhà nước, trong đó nhân dân là chủ thể, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Vì vậy mà chúng ta đã kiến nghị để trình cấp có thẩm quyền Nghị định đặc thù cho đối tượng văn nghệ sĩ. Chúng ta cũng tạo ra không gian để văn nghệ sĩ tự do sáng tạo. Như vừa qua đã tổ chức thành công Lễ phát động sáng tác tại Hải Phòng, để có những tác phẩm sống mãi với thời gian…
"Khái quát lại những việc đó để thấy được kết quả nêu trên nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực lớn của toàn ngành chứ không chỉ của riêng ai" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Quả chín trên cây là quả chín dần dà"
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên tinh thần cầu thị, Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình phát triển 3 lĩnh vực VHTTDL ở từng địa phương, mức độ hoàn thành có khác nhau. Nhiều địa phương chưa thực sự triển khai được chủ đề năm công tác của Bộ, các kết luận của Trung ương liên quan đến lĩnh vực VHTTDL.
"Nếu không quan tâm văn hóa thì địa phương đó có phải nơi để kiến tạo sự phát triển bền vững hay không. Lãnh đạo các Sở Văn hóa các địa phương cùng lãnh đạo Bộ trăn trở, suy nghĩ hơn vấn đề này" - Bộ trưởng bày tỏ.
Cũng theo Bộ trưởng, Ngành Văn hóa là ngành rất đặc thù, có nhiều địa phương có 2 Sở quản lý vì vậy ở một số địa phương vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ. "Chúng ta đều biết, du lịch muốn phát triển bắt nguồn từ sản phẩm của văn hóa, đó mới là gốc rễ lâu bền. Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương vẫn chưa có sự phối hợp dẫn đến lúng túng trong cách thực hiện" - Bộ trưởng chỉ rõ.
Về công tác cán bộ, Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực, quản lý ngành Văn hóa đủ tâm, đủ tầm, đúng chuyên môn nhiệm vụ để thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngành.
Về một số nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu phải thực sự đổi mới từ duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Các sự kiện văn hóa phải thực hiện một cách bài bản, có điểm nhấn, tạo hình ảnh, có sức lan tỏa bám sát mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa.
"Trong vấn đề thể chế, hiện nay Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý để Bộ VHTTDL xây dựng Chương trình MTQG về phát triển văn hóa, dự kiến sẽ có 6 đề án. Vì vậy, tôi mong muốn các địa phương tham gia đóng góp từ khâu nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách. Bởi, xây dựng được Chương trình này sẽ mang lại lợi ích cho toàn ngành không chỉ trong ngắn hạn mà còn ở nhiều nhiệm kỳ sau" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước khi kết thúc bài phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, ngành Văn hóa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy, cán bộ ngành Văn hóa cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, nhẫn nại.
Dẫn câu nói "Quả chín trên cây là quả chín dần dà", Bộ trưởng đề nghị cán bộ ngành Văn hóa cần đeo bám, chỉ đạo văn hóa ở cơ sở để cụ thể hóa các chỉ đạo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trên tinh thần không cầu toàn, chọn việc chọn điểm, phù hợp với thực tiễn của địa phương trong thời gian tới./.
Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngành VHTTDL đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ đề công tác năm 2022 của Ngành: "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ".
Trong năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba; thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư; phối hợp trình dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan và dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư.
Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh để lại nhiều dấu ấn về công tác tổ chức, chuyên môn.
Du lịch chính thức mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 và phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt 101 triệu lượt (vượt xa chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm)./.