(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ nằm ở chính sách thị thực mà quan trọng nhất là phải chú trọng đồng bộ các giải pháp.
Chiều 27/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế
Phát biểu thảo luận, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng (Đại biểu Quốc hội Đoàn Kon Tum) đã cung cấp thêm cho các đại biểu Quốc hội cách nhìn từ thực tiễn từ hoạt động du lịch của nước ta trong thời gian qua cũng như công tác thu hút đầu tư.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong lãnh đạo, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 08 năm 2017 khẳng định quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Gần đây nhất, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết về phát triển 6 Vùng chiến lược của đất nước, trong đó cũng đề cập rất kỹ các hoạt động du lịch và coi du lịch là một trong những thế mạnh phát triển.
Chính nhờ quan điểm lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp, du lịch đã phát triển tương đối tốt và từng bước tiếp cận được tiêu mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Số liệu của Tổng cục Thống kế cho thấy trước đại dịch Covid-19 (năm 2019), du lịch đã đóng góp gần 10% GDP cả nước, đây là một con số ấn tượng. Sau đại dịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, du lịch đang từng bước phục hồi. Năm 2022 có sự bùng nổ về du lịch nội địa với hơn 100 triệu lượt khách trong nước.
Du lịch nội địa được xác định như bệ đỡ của ngành du lịch khi chúng ta chưa phát triển mạnh được du lịch quốc tế. Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt cũng chứng minh du lịch đã bắt đầu trở lại trạng thái bình thường.
Và 4 tháng đầu năm nay, thống kê chưa đầy đủ cho thấy nước ta cũng đã đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, điểm mới đó là ngoài thị trường truyền thống đã bắt đầu xuất hiện các thị trường tiềm năng, tạo điều kiện cho chúng ta đạt được mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, ở góc độ là Bộ quản lý nhà nước về du lịch, Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều phiên làm việc, khảo sát, điều tra nắm bắt và đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức 2 hội nghị là Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và Hội nghị toàn quốc về du lịch lần thứ 3.
Hội nghị đã lắng nghe và xem xét nhiều yếu tố, Chính phủ đã thấy được nhiều điểm nghẽn, trong đó có 2 điểm nghẽn quan trọng trong phát triển du lịch. Điểm nghẽn thứ nhất là về hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư phát triển du lịch khi chúng ta chưa có khâu đột phá và điểm nghẽn thứ hai là về chính sách thị thực cho khách du lịch.
Trong đó, chính sách thị thực còn nhiều điểm chưa phù hợp do thời hạn tạm trú ngắn, nếu như so sánh với các quốc gia khác thì chúng ta không có lợi thế về độ mở, độ thông thoáng. Tuy nhiên theo Bộ trưởng, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bắt chước, rập khuôn theo các quốc gia khác mà phải tuỳ theo tình hình an ninh quốc phòng, nhu cầu phát triển để có đề xuất cho phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ chỗ xác định điểm nghẽn, các đại biểu Quốc hội và trực tiếp là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội khi làm việc với Bộ VHTTDL đã yêu cầu Bộ phải tham mưu cho Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp này xem xét, tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý trong vấn đề thị thực. Và nếu Luật sửa đổi được thông qua, sẽ giải quyết căn bản tình trạng khó khăn mà ngành du lịch đang gặp phải.
Nói thêm về sự cần thiết của việc xây dựng luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sự cần thiết xây dựng luật đã được nêu rõ trong tờ trình. Theo đó, việc sửa đổi sẽ góp phần giải quyết vấn đề điểm nghẽn trong thể chế chính sách để phục hồi, phát triển du lịch, tạo điều kiện cho công dân nước ngoài đến Việt Nam du lịch, đầu tư.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, chúng ta đang xây dựng Chính phủ điện tử, các hoạt động phải sử dụng công nghệ thông tin và các sản phẩm của cuộc cách mạng 4.0. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin để cấp thị thực điện tử là tất yếu và cần thiết phải đưa vào luật.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc nâng hạn thị thực điện tử, cấp thị thực điện tự, giấy chứng nhận tạm trú… tăng số lượng quốc gia cấp thị thực điện tử là phù hợp và nằm trong lộ trình, bước đi, có tính cân đối. Tất nhiên, khi làm thì chúng ta luôn chú ý đến các yếu tố đối ngoại, quốc phòng an ninh, và hướng vào các thị trường chi tiêu nhiều hơn, tình hình an ninh an toàn hơn để vừa khống chế được đầu vào, vừa tạo điều kiện thuận lợi để cấp thị thực cho họ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng hy vọng, việc nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú… sẽ giúp du khách thấy được chúng ta có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và sớm đạt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Nhất là các thị trường tiềm năng sẽ phát triển tối hơn.
Không chỉ nằm ở chính sách thị thực
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ nằm ở chính sách thị thực, bởi thị thực chỉ là một yếu tố, quan trọng nhất là phải đồng bộ các giải pháp.
Trước hết từ hạ tầng du lịch phải được quan tâm đầu tư một cách tương ứng, sản phẩm du lịch vẫn phải là cái gốc và sản phẩm du lịch phải dựa trên nguồn tài nguyên văn hoá của đất nước, của từng địa phương. Bộ VHTTDL khuyến nghị mỗi đia phương phải có một sản phẩm độc đáo về du lịch, luôn luôn phải làm mới các sản phẩm du lịch của mình. Đồng thời, dịch vụ du lịch cũng phải thực sự chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng phải quan tâm chú ý đến nguồn nhân lực du lịch. Sau đại dịch Covid-19 đã phát sinh rất nhiều vấn đề khó, đặc biệt là thiếu hụt nguồn nhân lực. Nếu không chú đến nhân lực thì dịch vụ của chúng ta không thể chuyên nghiệp, sức cạnh tranh sẽ khó.
Theo Bộ trưởng, nếu đồng bộ các giải pháp, du lịch sẽ thực hiện vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần cụ thể hoá các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương về phát triển ngành kinh tế tổng hợp này.
Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với việc sửa đổi chính sách về thị thực, thời gian lưu trú sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phục hồi và phát triển.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đề nghị làm rõ hơn nữa căn cứ để nâng thời hạn thị thực điện tử cũng như thời hạn lưu trú đối với khách quốc tế và nếu đủ điều kiện, hoàn toàn có thể nâng thêm thời hạn thị thực cũng như thời gian lưu trú. Theo đại biểu, như hiện nay, nếu được thông qua thì thời hạn thị thực điện tử 3 tháng cũng như thời gian lưu trú không quá 45 ngày cũng chỉ là giới hạn thời gian ở mức trung bình so với các quốc giá khác, chưa có sự đột phá.
Trong khí đó, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá) cho rằng, chính sách cấp thị thực phải thực sự thông thoáng để thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế.
Theo đại biểu, ngoài việc miễn thị thực cho một số quốc gia theo hiệp định song phương cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước để có thể miễn thị thực đơn phương cho một số quốc gia nếu việc đó không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, sẽ tạo thuận lợi cho công dân nước ngoài đến Việt Nam để du lịch, làm ăn.