(Tổ Quốc) - Sáng nay (21/10), Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện NQ số 30/2021/QH15; Tình hình thực hiện NSNN năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2022 và Kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2022-2024.
Phát triển hài hòa giữa đô thị hóa và công nghiệp hóa
Phát biểu tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đã phân tích một số vấn đề trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua. Cụ thể, công tác dự báo của chúng ta khá bị động trước biến thể Delta. Kịch bản chúng ta xây dựng lúc đầu chỉ khoảng 30.000 ca bệnh nhưng trong đợt bùng phát thứ 4 thì con số này tăng lên rất nhiều. Đến tận sau này ngành Y tế mới rút ra được những đặc điểm của biến thể này.
Bên cạnh đó, y tế cơ sở chưa phát huy được vai trò là lá chắn đầu tiên khi dịch bùng phát. Theo Bộ trưởng, nhiều năm qua, hệ thống y tế cơ sở đã chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, qua dịch bệnh lại càng bộc lộ hơn. Một phần cũng xuất phát từ thói quen của người dân ở các đô thị, đó là khi ốm đau thì lên bệnh viện chứ ít người đi vào trạm y tế phường, xã.
Về nhân lực ngành y tế, trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh vừa qua chỉ có những bác sĩ chuyên ngành về dịch tễ, hồi sức cấp cứu mới giải quyết được các vấn đề nảy sinh, tuy nhiên, lực lượng này vẫn còn thiếu hụt bắt nguồn từ công tác đào tạo chưa cân đối.
Về vật lực cho y tế, Bộ trưởng cho rằng, phòng chống dịch quan trọng phải có thuốc, vắc xin và công cụ, tuy nhiên thực tế cho thấy chúng ta vẫn gặp khó khăn trong vấn đề này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhìn từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, chúng ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, đến sự chỉ đạo điều hành của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ. Quan trọng là những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của dân tộc đã được phát huy, lan tỏa như tinh thần tương thân tương ái, lối sống đẹp.
Bên cạnh đó, chúng ta đã kịp thời tổng kết, điều chỉnh phương án phòng, chống dịch bệnh từ "Zero F0" sang thích ứng an toàn, sống chung với dịch. Nếu không tổng kết sẽ khó có chiến lược đúng với tình hình thực tiễn.
"Ví dụ như trước đây chúng ta áp dụng 5k nhưng giờ là 5k + công nghệ + vắc xin và thêm nữa là ý thức người dân, trong đó vắc xin và thuốc vẫn là giải pháp trọng tâm. Từ đó đã giúp chúng ta kiểm soát dịch bệnh, bước đầu mở cửa lại nền kinh tế với 2 nhóm nhiệm vụ trụ cột là tài khóa chính sách, và sản xuất, dịch vụ, du lịch" - Bộ trưởng nêu dẫn chứng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng bày tỏ lo lắng về việc, khi dịch bệnh qua đi thì hệ lụy, hệ quả về tâm lý xã hội sẽ tác động lâu dài. Vì vậy, ông đề nghị cần phải đưa ra dự báo để có giải pháp kịp thời, phù hợp.
Về kinh tế năm 2022, theo Bộ trưởng, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội rất chi tiết. Ông cho rằng, qua dịch bệnh đã đặt ra bài toán về phát triển hài hòa giữa đô thị hóa và công nghiệp hóa. Lâu nay chúng ta nghĩ công nghiệp hóa và coi đây là bài toán thành công, thực tế cũng chứng minh là đúng. Nhưng dịch bệnh cho thấy phải đi song song 2 vấn đề.
"Nếu đô thị hóa tốt thì khi dịch bệnh sẽ giảm nhiều vấn đề, giúp không bị dồn toa vào khu công nghiệp. Khu công nghiệp chủ yếu là nhà máy, nếu đô thị hóa sẽ kéo giãn được phát triển không gian như vậy sẽ bền vững và tác động lại đến công nghiệp"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Cần xây dựng đội quân liên ngành về phòng chống dịch "tinh - mạnh - gọn - chính xác - kịp thời"
Cho ý kiến về phòng chống dịch COVID-19, Đại biểu Trình Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đánh giá, thời quan qua chúng ta đã có nhiều thành quả tích cực. Nhìn chung là có sự thông suốt trong chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số địa phương chưa nắm chắc được tình hình dịch bệnh. Điều này đã được Thủ tướng chỉ ra trong một số lần họp trực tuyến với các địa phương.
Đại biểu đến từ Đồng Nai cũng cho rằng, hiện nay trong điều hành chống dịch vẫn còn có tình trạng lo lắng quá nên không dám đưa ra quyết sách phù hợp.
"Tôi nghĩ rằng cần phải linh hoạt, chuyển từ quá lo sợ thất bại sang tự tin chiến thắng. Không chỉ vì quá lo sợ mà làm chậm đi quá trình phục hồi kinh tế. Tâm lý quá lo sợ dẫn đến "cát cứ" cần phải có chẩn chỉnh nghiêm khắc. Nhất là những địa phương không hết trách nhiệm", Đại biểu An nhấn mạnh.
Vấn đề y tế trong phòng chống dịch, Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, "vai trò điều hành của tư lệnh ngành Y tế, nhìn thẳng vào sự thật thì vẫn còn băn khoăn". Thời gian qua chúng ta chưa phát huy nguồn lực y tế tư nhân trong phòng chống dịch COVID-19 và cần phải tránh tình trạng loạn giá xét nghiệm.
Một tình trạng khác mà vị đại biểu đoàn Đồng Nai lưu ý đó là, vẫn còn các bệnh viện lớn sợ trách nhiệm trong việc đấu thầu trong trang thiết bị y tế. "Có người bạn của tôi là giám đốc một bệnh viện nói rằng, vì lo sợ nên không dám mua các trang thiết bị y tế mà chỉ đi vận động tài trợ. Điều này vai trò của điều hành của Bộ Y tế thế nào" - ĐB An nói.
Trong phòng chống dịch, đại biểu Lê Quang Đạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) đề xuất Chính phủ tiếp tục làm tốt công tác "4 tại chỗ". Kinh nghiệm thứ hai là phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng nhưng phải xác định lực lượng nòng cốt. Chính phủ cần xây dựng đội quân liên ngành để trang bị về phương tiện, kỹ năng, cách thức biện pháp "tinh - mạnh - gọn - chính xác - kịp thời".
Thứ ba, cần phải làm tốt công tác dự báo tình hình dịch bệnh, việc này tuy khó nhưng chúng ta phải chủ động. Đồng thời, cần phải có chế tài xử lý và quyết liệt thực hiện chế tài này thì mới bảo vệ được kết quả phòng chống dịch. Một vấn đề quan trọng đó là thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin, thuốc điều trị.
Kiến nghị nhiều giải pháp
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, để phòng chống dịch và khôi phục kinh tế hiệu quả trong năm 2022, chúng ta cần phải có giải pháp quyết liệt hơn cả Nghị quyết 128, nhất là về tài khóa, tiền tệ.
Các tổ chức quốc tế đã đưa ra một số giải pháp xanh nhằm khôi phục nền kinh tế gồm cơ sở hạ tầng, việc làm, sinh học, năng lượng xanh. Theo đại biểu này, tại Việt Nam, nhiều công trình hạ tầng lớn có sẵn nhu cầu đầu tư có thể triển khai được ngay như cao tốc, sân bay, cảng biển… nhằm tạo việc làm, cơ sở hạ tầng cho quốc gia khi COVID-19 dần được kiểm soát.
Nói về vấn đề hiện nay nhiều lao động di tản khi dịch bệnh bùng phát, đại biểu Đinh Ngọc Minh cho biết, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo xây nhà cho người thu nhập thấp, đây là giải pháp rất đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. Một số quốc gia đã áp dụng giải pháp "li nông bất li hương", vì vậy, chúng ta cũng nên phải đưa ra giải pháp nhằm tạo việc làm cho người dân ngay tại địa phương. Theo đó, chúng ta không nhất thiết phải xây dựng cụm công nghiệp lớn tập trung vì khoảng cách giữa các địa phương không lớn.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau), trong đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua, Chính phủ đã rất nỗ lực để kiểm soát với nhiều giải pháp chưa từng có trong tiền lệ. Đặc biệt, người "đứng mũi chịu sào" là Thủ tướng Chính phủ đã rất lăn xả, xông xáo để chống dịch, ông đi thẳng vào tâm dịch bất chấp nguy hiểm.
Bàn về giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, dịch bệnh yêu cầu chúng ta phải đổi mới về quản lý nhà nước, tư duy năng động của con người, cải cách thể chế, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý. Cần cơ cấu lại thu chi ngân sách, do kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nên nguồn thu sẽ giảm, vì vậy cần tiết giảm chi thường xuyên. Đồng thời, tính đến các gói kích cầu tiêu dùng xã hội. Phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Muốn hút được đội ngũ cán bộ, công nhân trở lại làm việc, muốn làm được điều này trước mắt phải hỗ trợ khu nhà ở công nhân.
Cùng với đó là phải xây dựng khu công nghiệp thế hệ mới với hệ sinh thái hoàn hảo gồm nhà máy không khói, khu sáng tạo, tạo sân chơi cho doanh nghiệp startup… Vị đại biểu đoàn Cà Mau đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu mô hình này.
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) thì quan tâm đến việc hỗ trợ cho các trẻ em mồ côi do COVID-19. Dù đã có nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhưng chúng ta phải có kế hoạch, chính sách lâu dài vì còn cả quá trình trưởng thành, tự lập của các em. Đây là đối tượng dễ tổn thương nên cơ quan quản lý tại địa phương phải theo dõi để tránh tình trạng tổ chức, cá nhân nhận nuôi vì mục đích không tốt./.