(Tổ Quốc) - Ngày 9/6, tiếp tục kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Huy động nguồn lực cho phát triển VHTTDL
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sáng 9/6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, ĐBQH đoàn Kon Tum cho hay, ngành VHTTDL đã có đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và nhiều ý kiến đã được Ban soạn thảo tiếp thu. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực khó và rộng nên tại phiên thảo luận này, ngành VHTTDL tiếp tục đề cập thêm một số nội dung, đóng góp ý kiến tới Ban soạn thảo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong phần sự cần thiết của dự thảo Luật, nếu được thì nhấn mạnh thêm để chúng ta hiểu và nâng cao nhận thức trong vấn đề sử dụng đất đai như là động lực và nguồn lực cho văn hoá. Đây cũng là quan điểm trong Nghị quyết của ĐH Đảng khóa XIII đã khẳng định: coi văn hóa không chỉ là động lực tinh thần mà đó là nguồn lực phát triển kinh tế và vì vậy trong quá trình phát triển kinh tế phải tính toán được đến các yếu tố văn hóa ngay từ trong khâu xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức.
"Nếu như không chuyển hóa được các nguồn tài nguyên văn hóa thành nguồn lực phát triển bền vững của đất nước thì chúng ta chưa thực hiện được quan điểm đặt văn hóa ngang với kinh tế, chính trị. Trong đó nguồn tài lực văn hóa không phải đi trên trời mà gắn liền với thực tiễn lao động, sản xuất, trong đó đất đai đang giữ một vai trò then chốt. Nếu nhấn mạnh được thêm một chút trong sự cần thiết thì khi triển khai sẽ hài hòa và nhận thức cao hơn, hiểu đúng hơn về nguồn lực đất đai trong lĩnh vực VHTTDL"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu ngành VHTTDL, nếu như không được đề cập nhưng chúng ta hiểu và thiết kế nội dung trên ở trong các bộ luật, điều luật thì trong yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai lần này phải đảm bảo tính thống nhất của các hệ thống pháp luật và phải đồng bộ, tương thích. Theo Bộ trưởng, đây là yêu cầu bắt buộc trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật vì bộ luật này liên quan tới nhiều luật.
"Chúng tôi biết là cơ quan soạn thảo đã rà soát xem xét nhưng khi đọc kỹ các nội dung có liên quan thì thấy còn cần phải xem xét thận trọng hơn" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.
Lấy ví dụ, hiện Ngành VHTTDL có 4 luật: Luật TDTT ban hành 2018, Luật Điện ảnh ban hành 2022, Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022, Luật Di sản Văn hóa ban hành năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu, các bộ luật này đều liên quan trực tiếp đến vấn đề đất đai.
Cụ thể: Luật TDTT sửa đổi năm 2018 quy định, Nhà nước phải đảm bảo các cơ sở thể thao công lập và tư nhân được bình đẳng trong việc ưu đãi thuế, tín dụng đất đai theo quy định của pháp luật được nêu tại Điều 4. Nhà nước có chính sách đất đai đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, Điều 21. Hoặc Luật Điện ảnh cũng có quy định: Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và đất đai đối với tổ chức, cá nhân tham gia điện ảnh theo quy định của Luật…
"Đối chiếu lại trong thiết kế các chính sách cụ thể ở đây là chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, rồi vấn đề sử dụng đất chưa được rõ nét, chưa tương thích với các điều đã ghi trong các Luật khác"- Bộ trưởng nêu.
Cụ thể: tại điều 10 dự thảo Luật Đất đai, khi phân loại về đất đai có đề cập đến đất dành cho văn hoá, thể thao nhưng không được cụ thể hóa khi chúng ta phân loại nhận diện đất. "Tôi mong cơ quan soạn thảo cố gắng đưa vào những nội dung các luật khác trong thực tiễn đã vận hành, sẵn có từ trước"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.
Điểm thứ 2, để huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, cho thể thao thì ngoài nguồn lực đầu tư công của Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì còn huy động được nguồn lực xã hội. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, muốn huy động được nguồn lực xã hội thì phải tháo gỡ trong vấn đề đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, cũng như hợp tác công tư.
"Với tinh thần đó, chúng tôi đề nghị xem xét có thể đưa một số nội dung trong vấn đề đất đai tạo cơ sở thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, nếu không rất khó để các nhà đầu tư thực hiện"- Bộ trưởng cho biết.
Lấy ví dụ về Nhà hát Đó, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, đây là địa chỉ về mặt văn hóa trong biểu diễn nghệ thuật, thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, thu hút khách du lịch khi được trải nghiệm văn hóa ở đây. Bộ trưởng cho rằng, nếu công trình thuộc diện đất cho văn hóa và đất cho đầu tư chắc sẽ tạo động lực cho nhà đầu tư nhiều hơn còn giờ đây vẫn nằm trong khung giá lĩnh vực thương mại.
Tương tự, chúng ta thấy nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch như VinGroup, Sun Group khi đầu tư thiết chế về du lịch trong đó có các thiết chế văn hóa nhưng các thiết chế này nằm chung trong khuôn khổ của điều khác mà không được hưởng chính sách ưu đãi. Nếu tháo gỡ được nội dung trên thì nhiều đơn vị sẽ giải phóng được năng lực đầu tư này.
Điểm thứ 3, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng các cơ sở du lịch nhất là cơ sở lưu trú hiện nay còn có những khó khăn.
"Lần này sửa Luật đất đai phải tính toán lượng hóa cho được để có chính sách miễn giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở lưu trú. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn vì cơ sở lưu trú du lịch không chỉ là một khách sạn đơn thuần mà còn là khuôn viên cảnh quan, công trình văn hoá. Chúng tôi khảo sát, tỉ lệ này chiếm 30-40% trong tổng thể. Các cơ sở đều có không gian riêng về văn hoá, dịch vụ và không gian văn hóa này không chỉ cho cơ sở lưu trú mà còn phục vụ cộng đồng dân cư khu đó nhưng không có chính sách riêng cho họ, chỉ có mức giá cho thuê đất xây dựng khách sạn thôi"- Bộ trưởng nêu.
Bộ trưởng cho rằng, trong dự luật đưa ra tính toán về tỉ lệ khi thực hiện dự án đầu tư, tỷ trọng đất dành cho văn hóa trong khu lưu trú, công trình công cộng có mức giá khác với mức chung. Như thế sẽ giúp ngành phát triển có tính chất bền vững và nhà đầu tư cũng thấy được đây là chính sách mà Đảng, Nhà nước ban hành để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành phát triển.
Tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định có liên quan và đề xuất chỉnh sửa tại Luật Đất đai
Tại báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Khanh cho hay, Uỷ ban đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng; các tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình.
Để đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nhất khi thông qua dự thảo Luật, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ cụ thể hóa tại Luật những nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chín, đã đủ rõ… Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, triển khai theo Kế hoạch số 08-KH/TW của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các luật có liên quan, đánh giá tác động kỹ lưỡng, kịp thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ để quy định cụ thể tại Mục 2 Chương XVI dự thảo Luật. Đối với các dự án Luật đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là các dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định có liên quan và đề xuất chỉnh sửa tại Luật Đất đai (nếu có) theo nguyên tắc bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh tại mỗi Luật, không nhắc lại tại Luật này nội dung quy định của Luật khác và ngược lại mà có quy định dẫn chiếu việc thực hiện theo quy định của Luật khác có liên quan; trình Quốc hội xem xét theo quy định.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ dự thảo Nghị định và bổ sung tài liệu về danh mục các văn bản khác quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và các luật được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Đất đai, kèm theo dự kiến sơ bộ nội dung quy định chi tiết các quy định được sửa đổi, bổ sung tại luật được sửa đổi, bổ sung.
Đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng sự tương thích đối với cam kết trong các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực đầu tư và thương mại./.