(Tổ Quốc) - Sáng 16/8, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị nội dung tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945-02/9/2023) và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2023). Cùng dự có các Thứ trưởng: Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt.
- 09.08.2023 Khẩn trương với nỗ lực cao nhất chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa
- 08.08.2023 Các đơn vị cần khẩn trương, nỗ lực cao nhất chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam
Phát biểu gợi mở buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các đơn vị báo cáo theo từng nội dung của 3 hoạt động lớn đó là: Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Giai điệu Tổ quốc"; Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 và Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc.
Trên tinh thần thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm, tận dụng những nguồn lực sẵn có, Bộ trưởng một lần nữa lưu ý các hoạt động tổ chức trong dịp này phải bám sợi chỉ xuyên suốt đó là thông qua các sự kiện nhằm ôn lại quá trình hình thành, phát triển và cống hiến của Ngành Văn hóa, nhận thức đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn về vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc.
"Từ nay đến thời gian diễn ra các sự kiện không còn nhiều, trong khi đó các công việc cần làm rất nhiều nên các đơn vị phải tập trung hoàn thiện mọi công việc theo hướng có trọng tâm trọng điểm, làm việc gì phải dứt điểm việc đó, phải ra sản phẩm" - Bộ trưởng yêu cầu.
Về nội dung thứ nhất đó là Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Giai điệu Tổ quốc", báo cáo tại cuộc họp, NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, hiện kịch bản chương trình đã trình lên Cục để rà soát và sẽ xin ý kiến lãnh đạo Bộ lần cuối cùng trước khi tiến hành tập luyện.
Để đảm bảo hài hòa giữa tính chính trị và nghệ thuật nên các nghệ sĩ tham gia chương trình được lựa chọn rất kỹ lưỡng, vừa có nghệ sĩ gạo cội vừa có các nghệ sĩ trẻ tinh hoa, có kinh nghiệm.
Theo Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh, Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Giai điệu Tổ quốc", gồm 3 phần. Trong đó, phần 1 có chủ đề Hồn Việt, phần 2 là "Đất nước" và phần 3 là "Vinh quang Việt Nam - Sắc màu hội tụ, tỏa sáng".
Phần 1 giúp cho khán giả khi xem hiểu thêm được truyền thống Văn hóa ngàn đời của người Việt từ thời Văn Lang Âu Lạc, là một trong những biểu tượng lớn nhất của dân tộc Việt Nam, phản ánh đầy đủ những giá trị nhân văn sâu sắc.
Nội dung phần 2 sẽ cho khán giả thấy được văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, nó làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng các dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió và thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được, để không ngừng phát triển và lớn mạnh, viết nên những trang sử hào hùng bởi tính kiên cường trong hoạn nạn, bởi khí phách hào hùng trong giữ nước và dựng nước.
Các tiết mục nghệ thuật trong phần 3 sẽ làm nổi bật về vấn đề "Văn hóa giúp mỗi người Việt Nam có cơ sở, nền tảng lựa chọn cho mình các hành vi văn hóa, bản lĩnh, cốt cách văn hóa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn xã hội Việt Nam trong giao lưu, hội nhập, mở cửa, tôn trọng, cầu thị với các giá trị văn hóa khác biệt".
Theo ông Nguyễn Hải Linh, với điều kiện sân khấu, âm thanh, ánh sáng, Nhà hát đủ điều kiện để đảm bảo tổ chức chương trình nghệ thuật này.
Cho ý kiến về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các đơn vị cần khẩn trương hoàn thiện kịch bản để tiến hành tập luyện. Chương trình phải đảm bảo có kết cấu hợp lý, tính sáng tạo, đổi mới và để lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem. Lãnh đạo Bộ sẽ trực tiếp tổng duyệt để cho ý kiến lần cuối trước khi chương trình được tổ chức khoảng 5 ngày.
Bộ trưởng cũng lưu ý về các hình ảnh minh họa cho các tiết mục nghệ thuật, theo đó phải lựa chọn kỹ lưỡng những hình ảnh tiêu biểu qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước.
"Đặc biệt, những điểm sáng của đất nước phải được thể hiện rõ nét, nổi bật thông qua nghệ thuật, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về lời bình của chương trình, Bộ trưởng yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Văn phòng Bộ rà soát lại, đảm bảo tính hiệu triệu, giàu tính văn học.
Về Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023, sau khi nghe báo cáo từ Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát lại để phù hợp với các tiêu chí. Tinh thần là ưu tiên những cán bộ tiêu biểu có nhiều cống hiến, đóng góp được các cấp, các ngành ghi nhận.
Đối với chương trình nghệ thuật trong Hội nghị Tuyên dương, Bộ trưởng yêu cầu Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ để dàn dựng một chương trình tổng thể, trong đó xen kẽ giữa bộ phim về nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của toàn ngành, phần tuyên dương và các tiết mục nghệ thuật. Qua đó làm nổi bật lên vai trò, sự cống hiến và đóng góp của cán bộ ngành Văn hóa đối với sự phát triển của đất nước.
Về Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc, Bộ trưởng cho rằng đây là cơ hội để các cán bộ của ngành Văn hóa nêu lên những tâm tư, nguyện vọng của mình. Do đó, các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ, đảm bảo Hội nghị được tổ chức hiệu quả, đưa ra được những thông điệp cụ thể./.