(Tổ Quốc) - Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 10/8 liên quan đến lĩnh vực Bộ VHTTDL đang quản lý, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề liên quan đến tình trạng xuống cấp đạo đức, dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc.
"Lấy cái đẹp dẹp cái xấu"
Đặt câu hỏi chấn vấn, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu tình trạng, hiện nay, môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục bị xâm hại không chỉ ở trong nhà trường, xã hội mà cả ở trong gia đình. Đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ trong ngành Văn hóa cũng có hiện tượng xuống cấp về lối sống, đạo đức. Vậy Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ về vấn đề này như thế nào?
Về vấn đề môi trường văn hóa, môi trường gia đình, xã hội hiện nay đang xuống cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ cũng đã nhìn nhận được vấn đề này song để khắc phục vấn đề phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục, bồi đắp, bồi dưỡng ý thức về văn hóa, ý thức về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.
Theo Bộ trưởng, về mặt chủ trương thì đã có đầy đủ và gần đây Bộ cũng đã ban hành tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, đặt ra các tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên không có một chế tài nào cụ thể mà chỉ trên cơ sở ý thức xây dựng gia đình của mình.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây là một cuộc cách mạng có tính chất lâu dài. Với tinh thần khuyến khích việc biểu dương các gia đình tiêu biểu, các gia đình văn hóa với phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", từ đó để tuyên truyền, nhân lên những hình ảnh đẹp trong các cộng đồng.
Một trong những nội dung đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng là giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào, xu hướng thời gian tới?
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XIII đã khẳng định: văn hóa, đạo đức xã hội có mặt có biểu hiện xuống cấp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Vấn đề xây dựng văn hóa là công việc lâu dài. Trong xây dựng văn hóa thì xây dựng con người văn hóa vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, phải có trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Khi hình thành được môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và xã hội thì chắc chắn sẽ có hiệu ứng của con người văn hóa và hạn chế được sự xuống cấp của vấn đề đạo đức".
Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng mạng xã hội làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) nêu tình trạng, hiện nay mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông giải trí phổ biến, được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích xã hội mang lại cũng nảy sinh không ít những vấn đề, biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc.
Đại biểu Tráng A Dương đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để chấn chỉnh, giải quyết tình trạng trên?
Về việc xuống cấp, lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, về hậu quả có thể gây ra từ các tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, sử dụng mạng xã hội không đúng, làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội.
Liên quan đến văn hóa trên môi trường mạng, tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời trực tiếp với các đại biểu Quốc hội.
"Đời thực thế nào, trên mạng cũng như đời thực" - Phó Thủ tướng nói và cho rằng, chúng ta cần lưu ý môi trường mạng khác đời thực ở tốc độ lan thông tin. Thông tin trên mạng lan nhanh hơn và trên diện rộng hơn rất nhiều. Vấn đề này chúng ta chưa nhấn mạnh nhiều. Bằng các công nghệ mới, dựng video, hiệu ứng trên mạng mạnh hơn, hiệu ứng nhìn thật hơn nhiều. Do đó, tốc độ lan truyền và gây xúc cảm rất mạnh. Trên thế giới đã thống kê tốc độ tác động và lan truyền của một thông tin xấu nhanh khoảng bằng 6-7 lần thông tin tốt.
Phó Thủ tướng cho biết, Luật An toàn, an ninh mạng đã ban hành và cũng đã có nghị định hướng dẫn. Bên cạnh phủ thông tin tốt để che thông tin xấu, chúng ta bắt đầu xử lý rất nghiêm, kể cả xử lý hình sự những đối tượng lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng mạng Internet xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Trước đây, chúng ta chỉ xử lý khi liên quan tới lợi ích của xã hội, của đất nước, của Nhà nước, nhưng gần đây có một số vụ việc chúng ta xử lý hình sự liên quan đến việc xâm phạm lợi ích của công dân.
"Điều này chúng ta phải tiếp tục làm cho thật tốt và những người nào bị xâm phạm bằng tác hại của mạng xã hội cũng nên có tiếng nói để các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.