• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng Báo Văn Hóa chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại

Văn hoá 11/06/2021 19:56

(Tổ Quốc) - Sáng 11/6, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã làm việc với Báo Văn Hóa về tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm.

Cùng tham dự buổi làm việc có các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Đoàn Văn Việt; lãnh đạo Đảng ủy Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ và các cơ quan báo chí thuộc Bộ...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng Báo Văn Hóa chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc (ảnh Minh Khánh)

Khẳng định vai trò quan trọng của Báo Văn Hóa- cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Báo Văn Hóa cùng các đại biểu phân tích, làm rõ những thuận lợi, khó khăn với mục đích phát triển tờ báo, khẳng định thương hiệu cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL trong dòng chảy của đời sống văn hóa, thể thao và du lịch nước nhà.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, với bề dày truyền thống 64 năm xây dựng và phát triển, Báo Văn Hóa cần nỗ lực phát huy vị thế tiên phong trong cung cấp, định hướng thông tin trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

"Với bề dày truyền thống 64 năm xây dựng và phát triển, Báo Văn Hóa cần nỗ lực phát huy vị thế tiên phong trong cung cấp, định hướng thông tin trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Cần bám sát tôn chỉ, mục đích và thể hiện thành những sản phẩm báo chí chất lượng, tạo sức lan tỏa giá trị cốt lõi của văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam. Thông qua công cụ báo chí lan tỏa niềm tin, để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, động lực cho sự phát triển bền vững...", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng lưu ý, trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường báo chí, Báo Văn Hóa cần chú trọng vấn đề ứng dụng công nghệ số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đồng thời, Báo Văn Hóa cần xác định rõ những việc phải làm trong thời gian tới, trên tinh thần bám sát tôn chỉ, mục đích của tờ báo, hướng đến mục tiêu xây dựng những cây bút "tâm sáng, lòng trong, bút sắc", như nhà báo Hữu Thọ từng nói.

Báo cáo về kết quả công tác trong thời gian qua, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Chu Thu Hằng nhấn mạnh, là cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL, Báo Văn Hóa luôn được Lãnh đạo Bộ, các Cục, Vụ và các đơn vị chức năng của Bộ quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Là tờ báo có bề dày truyền thống, tập thể lãnh đạo, viên chức và người lao động đã nỗ lực khắc phục khó khăn, trau dồi nghiệp vụ báo chí, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

"Tuy nhiên, trước sự bùng nổ thông tin của mạng xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống báo mạng, báo chí cách mạng truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức. Người đọc không còn mặn mà với báo in, đây chính là rào cản đối với báo in truyền thống...", Tổng Biên tập Báo Văn Hóa nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã lắng nghe những ý kiến, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên Báo Văn Hóa về những vấn đề định vị tờ báo hiện đang ở đâu? Hoạt động chuyên môn báo chí đang gặp phải những khó khăn, thách thức nào trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thông tin, công nghệ làm báo...

Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của tập thể Báo Văn Hóa trong thời gian qua, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ, trong bối cảnh mới, mong muốn của Lãnh đạo Bộ đối với công tác thông tin, tuyên truyền của tờ báo ngày càng cao. Vì vậy, trong thời gian tới, Báo cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn trên cơ sở bám sát tôn chỉ mục đích, chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ. Đội ngũ phóng viên cần chủ động, kịp thời hơn nữa trong nắm bắt, xử lý thông tin về những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của ngành.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực báo chí nói chung và Báo Văn Hóa nói riêng cần được quan tâm, chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn. Thứ trưởng lưu ý, mỗi phóng viên cần phát huy vai trò là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, cần đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của các đối tượng độc giả. Bên cạnh đó, cần mở rộng mạng lưới cộng tác viên, tăng cường những bài viết bình luận, lý luận phê bình chuyên sâu trên các lĩnh vực của đời sống văn hóa, thể thao và du lịch; lan tỏa những tấm gương tốt và phản biện, định hướng thông tin trước những vấn đề "nóng" của ngành.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, bề dày truyền thống 64 năm xây dựng và phát triển vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm nặng nề đối với đội ngũ những người làm báo của Báo Văn Hóa hôm nay. Hơn 6 thập kỷ qua, Báo Văn Hóa luôn nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ. Sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng đã được sự đón nhận, yêu thương của hàng triệu độc giả trong cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xây dựng Báo Văn Hóa chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh Minh Khánh)

Để khẳng định bản sắc, thương hiệu của Báo Văn Hóa trong giai đoạn mới, Bộ trưởng yêu cầu mỗi phóng viên, biên tập viên cần nỗ lực phát huy tinh thần vì tờ báo. "Cần nhìn lại để thấy xa hơn, đánh giá lại chặng đường đã qua để hướng đến những mục tiêu lớn, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của độc giả", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho rằng, trên tinh thần thẳng thắn, Lãnh đạo Bộ chia sẻ với những khó khăn, thách thức của công tác thông tin báo chí trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, bối cảnh khách quan đó càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo phải nỗ lực nhiều hơn. Thực tiễn cho thấy yêu cầu cần có nhiều sản phẩm báo chí phong phú, đa dạng, đặc biệt là các tác phẩm phóng sự, phóng sự điều tra để thu hút độc giả. "Cần tạo điều kiện, khuyến khích và phát huy sự sáng tạo của đội ngũ người cầm bút. Đồng thời, cần tăng cường tính kết nối trong mạng lưới báo chí của Bộ và các cơ quan báo chí bên ngoài Bộ...", Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng cũng lưu ý tập thể Báo cần nỗ lực tập trung hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, xử lý hài hòa giữa khát vọng và hành động, giữa năng lực và nỗ lực, huy động mọi nguồn lực để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm báo in, vừa phát triển mạnh báo điện tử, thu hút đông đảo bạn đọc.

"Hãy luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Mỗi cán bộ, phóng viên của Báo cần luôn thấm nhuần lời dạy của Bác trong mỗi công việc để nâng cao chất lượng tờ báo. Ngoài ra, cần chú ý chức năng phản biện xã hội, khai sáng và giải trí, tăng cường những vấn đề mang tính phát hiện...", Bộ trưởng chỉ đạo.

Nhằm giải quyết bài toán cơ bản về định hướng phát triển của Báo Văn Hóa trong thời gian tới, Bộ trưởng giao Ban Biên tập thành lập Tổ đề án Xây dựng Báo Văn Hóa theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong đó đề xuất lộ trình, nguồn lực để thực hiện, đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, Báo Văn Hóa cần mở thêm một số chuyên mục để thu hút tiếng nói của các chuyên gia, các nhà văn hóa tên tuổi như chuyên mục góp ý về Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam; Phát triển du lịch trong 5 năm tới... Bộ trưởng giao Văn phòng Bộ giúp Lãnh đạo Bộ tổ chức các buổi làm việc định kỳ với tập thể Báo Văn Hóa để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhanh chóng nâng cao chất lượng nội dung bài vở và hiệu quả các mặt hoạt động của Báo Văn Hoá./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ