(Tổ Quốc) - Chiều 25/5, các đại biểu tiếp tục phát biểu, góp ý tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.
Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nông nghiệp đang đứng trước “2 cái nhất”. Đầu tiên là giai đoạn thách thức nhất. Bộ trưởng chỉ ra 3 thách thức lớn là nông nghiệp phải đi lên từ mô hình hộ phân tán nhỏ lẻ, thách thức từ biến đối khí hậu và thách thức từ việc hội nhập kinh tế.
Bộ trưởng NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Nam Nguyễn |
Cái nhất thứ 2, đó là ngành nông nghiệp nhận được sự quan tâm ủng hộ nhiều nhất từ cả hệ thống chính trị. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các thành phần kinh tế và toàn dân đều quan tâm đến vấn đề nông nghiệp.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay cả khi đàm phán với các nước cũng đề cập đến nông sản. Quốc hội sau hơn 2 năm thông qua 5 luật về nông nghiệp, 3 nghị quyết chuyên đề. Thủ tướng sau khi kiện toàn Chính phủ đã trực tiếp 17 lần chỉ đạo ngành nông nghiệp. Từ vấn đề lúa gạo, tôm… Tại các địa phương, kể cả đồng chí bí thư, chủ tịch đều vào cuộc, làm xúc tiến thương mại, tạo sự lan tỏa trong toàn ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng.
Theo Bộ trưởng, các chủ trương, chính sách được ban hành trong thời gian qua đã tạo sức lan toả cho nông nghiệp. Cụ thể, trong 3 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp lĩnh vực này đã tăng gấp đôi, từ trên 3.000 doanh nghiệp lên 7.200. Cùng với đó, từ chỗ tăng trưởng âm cách đây 2 năm, năm 2017 nông nghiệp đã tăng dương trở lại với 2,49% và 4 tháng 2018 ghi nhận tăng 4,05%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Thị trường xuất khẩu nông sản mở rộng ra 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường “khó tính” như Nhật Bản, EU, Mỹ.... Giá trị xuất khẩu nông sản tăng từng năm: năm 2017 là 36,52 tỷ USD và dự báo năm 2018 sẽ vượt 40 tỷ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng chỉ ra những tồn tại. "Các khâu yết hầu của nông nghiệp còn yếu", do vậy, ngành phải đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục....
“Chưa kể đến vấn đề biến đổi khí hậu thì ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập như các đại biểu đã nêu trong phần phát biểu của mình như: liên kết sản phẩm còn yếu, khâu chế biến chưa tương xứng với sản xuất, kể cả một số mặt hàng được coi là mạnh như chế biến tôm, cá tra…Từ đó dẫn tới có những thời điểm sản phẩm bị dư thừa.
Ngoài ra, quản lý đầu vào còn bất cập (phân bón, thuốc trừ sâu)… Kể cả khâu lưu thông cũng còn yếu. Các vấn đề về tín dụng, đất đai cũng còn bất cập…”, Bộ trưởng thừa nhận./.
Hà Giang